Tương tự như phương án đầu tư của tuyến đường Vành đai 3 hiện nay, TP Hà Nội đang đề xuất nghiên cứu thêm phương án quy hoạch phần đường cao tốc đường Vành đai 4 xây dựng trên cầu cạn.
Tuyến đường Vành đai 4
Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt theo các đồ án quy hoạch liên quan đến phần đường cao tốc Vành đai 4 và Vành đai 5 nhằm góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đô thị trung tâm của Thủ Đô Hà Nội và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo đồ án quy hoạch, đường Vành đai 4 và Vành đai 5 được xác định là tuyến vành đai giao thông đối ngoại có tính chất kết nối liên vùng thuộc Vùng Thủ Đô và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các cao tốc, quốc lộ hướng tâm để phát huy hiệu quả các tuyến đường này.
Theo đồ án quy hoạch, đối với tuyến đường Vành đai 4, dự kiến đi qua 3 tỉnh gồm thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng chiều dài tuyến khoảng 98km. Quy mô đường cao tốc, Bn = 120 m, gồm đường bên và dự trữ hạ tầng kỹ thuật.
Quy mô mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên, mắt cắt ngang điển hình từ 100 – 120 m. Dự kiến tuyến đường có khoảng 21 nút giao chính, với chiều dài đi qua Hà Nội khoảng 54 km trong đó đi qua 7 quận, huyện gồm Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sơn.
Cũng giống như phương án đầu tư của tuyến đường vành đai 3 hiện nay, Thành phố Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu thêm phương án quy hoạch phần đường cao tốc xây dựng trên cầu cạn thay cho việc đi dưới bằng hiện nay (với quy mô cầu đáp ứng cao tốc 4 – 6 làn xe).
Theo TP Hà Nội, việc đưa làn cao tốc trên cao sẽ giải quyết được nhiều vấn đề: thứ nhất, giải quyết được cơ bản các giao cắt cùng mức đối với các tuyến đường khác (vì qua rà soát sơ bộ có khoảng 21 nút giao với các tuyến đường trục chính quan trọng). Thứ hai, sẽ tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường giao thông, phục vụ giao thông đi lại. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng quỹ đất các khu vực hai bên đường. Thứ tư, đảm bảo kết nối giao thông 2 bên tuyến đường Vành đai 4.
Nếu phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến giống như đường Vành đai 3 hiện nay, tổng mức đầu tư khoảng 135.000 tỷ đồng. Qua rà soát, tính toán sơ bộ để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4 (98 km) theo phương án cao tốc đi bằng, tổng kinh phí khoảng 105.000 tỷ đồng.
Theo thông tin được biết, TP Hà Nội mong muốn giải phóng mặt bằng một lần theo đúng chỉ giới đường đỏ (B = 120m); đầu tư nối thông toàn tuyến không chia nhỏ thành các đoạn để đầu tư nhằm đảm bảo tính kết nối; cần có một cơ quan, đơn vị đứng ra chủ trì đầu tư toàn tuyến để đảm bảo khớp nối đồng bộ về quy mô cũng như các yếu tố kỹ thuật đồng nhất trên toàn tuyến.