Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản tại các khu chung cư nguy hiểm trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng thành phố đề nghị UBND quận Đống Đa, quận Ba Đình nhanh chóng di dời các hộ dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Hà Nội: Khẩn trương di dời người dân ra khỏi 5 tòa chung cư cũ, nguy hiểm

4 nhà tại quận Ba Đình, 1 nhà tại quận Đống Đa

Cụ thể, tại văn bản số 10549/SXD-PTĐT, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục các chung cư cũ nằm trên địa bàn mình quản lý. Trong đó, cần lưu ý đến các khu chung cư cấp D, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng chống đổ sập nhà, công trình, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức sơ tán người dân ra khỏi khu vực không an toàn trước khi thiên tai, bão lũ, ngập úng xảy ra.

UBND cấp huyện cũng có trách nhiệm chỉ đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương triển khai công tác kiểm tra an toàn đối với các khu dân cư, nhất là các công trình nhà hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Khi cần thiết, phải có ngay phương án di chuyển người dân và tài sản đến khu vực an toàn.

Văn bản của Sở cũng chỉ rõ, trên toàn thành phố hiện có 5 tòa nhà được đánh giá là nguy hiểm cấp độ D, cần khẩn trương hoàn thành công tác di dời, gồm 4 nhà tại quận Ba Đình, 1 nhà tại quận Đống Đa. Dù thành phố đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư để phục vụ công tác di dời nhưng chỉ có một phần các hộ dân chuyển đến sinh sống. Số còn lại vẫn khá băn khoăn.

Sở Xây dựng TP. Hà Nội đề nghị UBND quận Ba Đình, Đống Đa nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, vận động và di dời các hộ gia đình trong chung cư theo chỉ đạo của thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra, rà soát các chung cư cũ, hư hỏng để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Các phương án tạm cư và việc di dời phải lấy an toàn về người và tài sản là ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, UBND Hà Nội đã có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện chỉ đạo về việc bảo đảm an toàn, di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư xuống cấp, nguy hiểm, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 1.579 chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1992, đến nay phần lớn đã hết niên hạn sử dụng. Có một số hộ dân tự ý cải tạo, cơi nới làm ảnh hưởng đến kết cấu chung của toàn bộ công trình.

Dù việc cải tạo, xây dựng lại những chung cư này được chính quyền thành phố tích cực chỉ đạo nhưng do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên số lượng thực hiện chỉ đạt 1%. Đáng chú ý, có nhiều dự án đã quyết định đầu tư song việc lập quy hoạch lại chậm trễ, không đạt yêu cầu đặt ra.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư, Hà Nội kêu gọi thực hiện xã hội hóa và đã có 19 nhà đầu tư được thành phố chấp thuận đề xuất tự bỏ kinh phí triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cải tạo khoảng 30 khu chung cư

(Tổng hợp bởi odt.vn)