Với mục tiêu phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông, UBND thành phố Cần Thơ đã quyết định đầu tư 3.837 tỷ đồng xây dựng đường vành đai phía Tây. Công trình sẽ đi qua địa phận của 5 quận, huyện gồm: Quận Bình Thủy, quận Ô Môn, quận Cái Răng, quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền.
Sử dụng nguồn vốn của thành phố và Trung ương
Tại cuộc họp mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã thống nhất tên, quy mô và tổng mức đầu tư của dự án “Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ”. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.837 tỷ đồng. Trong đó, gần 2.400 tỉ đồng là chi phí xây dựng, gần 100 tỉ đồng là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án được xây dựng theo hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn của thành phố trong giai đoạn 2020 – 2025 và một phần vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Tổng chiều dài của công trình là 19,4 km, nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C hiện hữu. Cụ thể, điểm đầu của dự án được đấu nối với Quốc lộ 91 (tại quận Ô Môn), đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, rồi sau đó nối vào Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh).
Theo thiết kế được duyệt, tổng bề rộng mặt đường là 80m. Trong đó: phần đường xe chạy 30m, vận tốc 60 - 80 km/h; hè đường 16m; đất dự trữ 9m; dải phân cách 3m; đường gom 22m.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ, ông Lê Tiến Dũng cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông ở nội đô thành phố đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc thành phố chưa có tuyến vành đai nên hầu hết các phương tiện di chuyển trên hành lang quốc lộ 91, 91B đều đi ngang qua trung tâm quận Ninh Kiều. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến vành đai phía Tây sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ách tắc trong nội đô, đảm bảo an toàn giao thông dưới mọi điều kiện thời tiết.
Bên cạnh đó, tuyến đường này còn có tác động tích cực đến nền kinh tế như tiết kiệm chi phí, giảm thời gian vận chuyển khách hàng và hàng hóa, giảm chi phí logistics… Ngoài ra, dự án còn giúp tối ưu hóa bài toán vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang đến các khu công nghiệp
Trước đó, tại cuộc họp kiểm tra tiến độ thực hiện thủ tục triển khai dự án, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các cấp trực thuộc: Rà soát thực địa; đối chiếu quy hoạch đang triển khai; xác định vị trí và phạm vi sử dụng đất; đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai.
(Tổng hợp bởi odt.vn)