Liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại Hà Nội, UBND thành phố vừa có đề án gửi đến Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phố đề xuất ưu tiên triển khai dự án không vướng quy hoạch và “xin” một số cơ chế đặc thù.
Hàng trăm hộ dân bị đe dọa tính mạng
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn 6 tòa nhà chung cư được xếp vào loại nguy hiểm cấp D. Đó là các tòa nhà: Đơn nguyên 1 và 2 của tòa nhà G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình); đơn nguyên 1 của chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa); đơn nguyên 1, 3 khu tập thể Bộ Tư pháp; đơn nguyên 1 nhà A khu tập thể Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 3 nhà C8 khu tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ) và khu tập thể C1 Thành Công.
Hiện tại, chỉ có khu tập thể C1 Thành Công là đã hoàn tất xây dựng lại và đón người dân quay về. Các công trình còn lại vẫn trong tình trạng hư hỏng nặng, bị lún nứt, tách rời 80 - 120 cm, có nguy cơ đổ sập bất kì lúc nào. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân lại cố gắng bám trụ, bất chấp nguy hiểm đang rình rập trước mắt.
Đại diện Sở Xây dựng TP. Hà Nội, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến việc di dời các hộ dân ra khỏi những căn hộ chung cư cũ chưa nhận được sự đồng thuận cao là vướng mắc xung quanh công tác triển khai quy định hiện hành về cải tạo chung cư. Theo đó, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định rõ, khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải theo quy mô toàn khu, không được xây riêng lẻ. Chính vì vậy, việc triển khai dự án cũng như di dời hộ dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Xin” xử lý bằng cơ chế đặc thù
Để tháo được nút thắt này, thành phố đã “xin” Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong “Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư”. Cụ thể, thành phố đề xuất cho phép nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500; triển khai dự án riêng lẻ đối với từng chung cư hết niên hạn sử dụng, từng công trình nguy hiểm cấp D...
Góp ý với đề án trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, trong trường hợp cần thiết, thành phố Hà Nội nên lựa chọn 1 – 2 chung cư điển hình để đề xuất Thủ tướng cho phép cải tạo và xây dựng lại. Bên cạnh đó, địa phương cần có phương án chi tiết đối với công tác bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực xung quanh, đảm bảo thuận tiện cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân; thực hiện cải tạo, xây dựng toàn khu theo hình thức “cuốn chiếu…
Trên cơ sở đó, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện đề án, ưu tiên triển khai các dự án không có vướng mắc lớn về quy hoạch; hoàn thiện cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, khung giá đất bồi thường, tái định cư; tham mưu và đề xuất lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai.
Trước đó, Sở Xây dựng đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng của 940 tòa nhà chung cư cũ và xác định được 343 nhà cấp C (cần sửa chữa nhiều hạng mục để đảm bảo an toàn) và 6 nhà cấp D (cần ưu tiên sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ). Đến hiện tại, số lượng nhà được cải tại, xây dựng mới chỉ vỏn vẹn là 16, tương đương 1%.