Đó chính là Công ty Cổ phần Bất động sản STC Golden Land (STC Golden Land), có trụ sở tại lô NT1, đường Trung Yên 6, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Lộ diện doanh nghiệp vừa thâu tóm lô đất hơn 20 ha tại Long Thành

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai vừa thông báo công khai về kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng lô đất hơn 23,4 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Theo đó, Công ty STC Golden Land đã vượt qua 5 đối thủ khác để có được quyền sử dụng với mức giá 1.626 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm 1,8 lần. Trong thời hạn 4 năm, đơn vị phải tiến hành triển khai dự án, nếu không UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi và không được bồi thường.

STC Golden Land - Cái tên mới trên thị trường

Theo dữ liệu tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, STC Golden Land được thành lập vào ngày 19/07/2019 với số vốn lệ 1.200 tỉ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thanh Thanh (48,5%), Nguyễn Nam Chung (41,5%), Nguyễn Đức Giang (3,5%), Nguyễn Thanh Tùng (3,5%) và Đỗ Duy Phương (3%).

Tìm hiểu kĩ lưỡng hơn có thể thấy rằng, STC Golden Land có mối quan hệ đặc biệt với Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn - một doanh nghiệp khá kín tiếng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, năng lượng. Cụ thể, hai cổ đông lớn của STC Golden Land là ông Nguyễn Thanh Thanh và Nguyễn Nam Chung cũng nắm giữ nhiều cổ phần tại Công ty Hoàng Sơn. Đặc biệt, ông Nguyễn Nam Chung không chỉ là Tổng giám đốc của STC Golden Land mà còn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật của Công ty Hoàng Sơn.

Trên website chính thức của Hoàng Sơn cho thấy, đơn vị đang nắm giữ hàng loạt dự án quy mô khủng. Chẳng hạn, nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (vốn 1.363 tỉ đồng), nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (vốn 1.407 tỉ đồng), Cụm dự án Thủy điện Suối Nhạp - Đồng Chum tại Hòa Bình, thủy điện Suối Nhạp A...

Năm 2013, công ty đặt dấu ấn đầu tiên lên thị trường phía Nam với dự án xây dựng mở rộng đường Quốc lộ 1 thuộc 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên theo hình thức BOT.

Bên cạnh đó, Hoàng Sơn còn sở hữu: Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực (tỉnh Ninh Thuận); Trung tâm thương mại, khách sạn và dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Hoang Son Plaza (Đồng Tên, Hòa Bình); Khu đô thị sinh thái Sông Đà (Kỳ Sơn, Hòa Bình); Khu đô thị sinh thái Sơn Anh (Kỳ Sơn, Hòa Bình)...

Năng lực tài chính của Công ty Hoàng Sơn ra sao?

Theo báo cáo tài chính được công bố của doanh nghiệp này, tính đến hết năm 2019, số nợ mà công ty Hoàng Sơn phải trả là xấp xỉ 1.257 tỉ đồng, gấp khoảng 5 lần vốn chủ sở hữu (271 tỉ đồng). Mặt khác, nếu so sánh với tổng tài sản thì con số này chiếm đến 82%.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 310 tỉ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 464 tỉ đồng. Còn lại là các khoản phải khác. Ước tính trung bình mỗi ngày, công ty phải chịu hơn 158 triệu đồng tiền lãi. Dù doanh thu năm lên tới 513 tỉ đồng nhưng việc phụ thuộc lớn vào vốn vay khiến lãi ròng của Hoàng Sơn chỉ dừng ở mức 1,76 tỉ đồng.

Chi tiết như sau, công ty Hoàng Sơn thu được 513 tỉ đồng doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và bán hàng trong năm 2019. Sau khi cân đối với giá vốn, lãi gộp của công ty là 81,4 tỉ đồng. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 23,8 tỉ đồng, không phát sinh chi phí bán hàng. Vậy nên, sau đóng thuế thu nhập, lãi thuần của Hoàng Sơn chỉ vỏn vẹn là 1,76 tỉ đồng.