Tính từ năm 2010 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp đôi, chạm mức 64 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, giá nhà tại các thành phố lớn đã tăng 3 – 5 lần. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở của tầng lớp lao động phổ thông gần như là bất khả thi.

Đi làm hơn chục năm vẫn không đủ tiền mua nhà?

Cao hơn gần 20 lần thu nhập người dân

Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, giá chung cư ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang ở ngưỡng trần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện bong bóng. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do nguồn cung mới đang cực kì khan hiếm và những cơ chế trong lĩnh vực đất đai còn nhiều bất cập.

Cụ thể hơn, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cả hai thành phố này gần như không có dự án mới được phê duyệt. Ngay cả các dự án đô thị, nhà ở tại địa phương đã được thông qua chủ trương đầu tư từ trước đó cũng gặp phải những vướng mắc khi phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, xét duyệt điều kiện để được bán nhà ở hình thành trong tương lai…

Phó Chủ tịch của VARs, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, căn hộ bình dân và giá rẻ tại TP.HCM gần như “tuyệt chủng”. Trong khi đó nhu cầu từ người mua với phân khúc này ngày càng tăng theo thời gian. Vậy nên, giá bán liên tục xác lập đỉnh mới là dễ hiểu. Trước đây, những căn hộ hạng C có giá dao động từ 15 - 18 triệu đồng/m2 thì nay đã lên tới 25 - 28 triệu đồng/m2, trở thành căn hộ hạng B.

Mặt khác, nếu so sánh dựa trên giá căn hộ bình quân tại TP.HCM thì giá nhà hiện cao gấp 7 lần nhóm lao động có thu nhập cao, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền đã làm cho giá nhà tăng cao. Phần lớn người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và người nhập cư không thể mua nhà chỉ với đồng lương của mình. Từ đó, kéo theo nhiều nguy cơ xung quanh vấn đề an sinh xã hội về nhà ở. Theo ông Châu, tình trạng trên sẽ khó có thể cải thiện trong tương lai ngắn hạn. Những chủ đầu tư vẫn sẽ để tiền ở chế độ chờ vì chưa có vắc-xin kiểm soát dịch bệnh.

Chia sẻ thực tế

Trao đổi với ODT, anh Đào Trọng Huy (35 tuổi, ngụ tại Hà Nội) cho biết, sau gần 12 năm tích góp, vợ chồng anh có tiết kiệm được 600 triệu đồng. Với số tiền này, anh dự định mua một căn chung cư bình dân ở quận Hoàng Mai để cả gia đình sinh sống.

Đầu năm 2019, anh tìm được một căn hộ đáp ứng được hầu hết yêu cầu của mình và có giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Do không muốn mua trả góp hay vay ngân hàng, anh quyết định dành dụm thêm một khoảng thời gian nữa và vay một ít từ người thân. Dự định sang năm 2020, anh và gia đình sẽ có nơi ở ổn định. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, giá căn hộ anh Huy hỏi trước đó đã lên tới 1,8 tỷ đồng (tăng khoảng 12%). 

 “Sau khi giá căn hộ tăng, ước mơ mua nhà của tôi đành phải gác lại một bên. Thay vào đó, tôi tiếp tục phải trả 3 triệu tiền thuê nhà mỗi tháng. Với tình hình giá cả tăng phi mã như hiện giờ, chắc lương của tôi phải gấp đôi mới có hy vọng sở hữu nhà”, anh Huy giãy bày.

(Tổng hợp bởi odt.vn)