Năm 2014 trở về trước, thị trường căn hộ tại Hà Nội được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước, cao hơn cả TP.HCM. Nhưng từ đầu năm 2015, khi Hà Nội tăng trưởng chậm lại thì giá tại TP.HCM lại liên tục bứt phá và hiện đã cao hơn khoảng 30%.

Giá căn hộ TP.HCM vượt Hà Nội

Tăng giá trung bình 10%/năm

Quay về giai đoạn 2015 - 2016, một căn hộ chung cư trung cấp ở trung tâm thành phố Hà Nội có giá dao động từ 30 – 35 triệu đồng/m2. Một căn hộ khác cùng phân khúc, cũng nằm tại trung tâm TP.HCM nhưng giá bán lại thấp hơn 20%, khoảng 22 - 25 triệu/m2. Suốt từ đó đến nay, TP.HCM bước vào đà tăng trưởng với tốc độ tăng giá trung bình 10%/năm, còn Hà Nội chỉ quanh mức 3 - 4%/năm.

Số liệu tổng hợp bởi odt.vn trong quý III/2020 cho thấy, tốc độ tăng giá tại hai thị trường này tỷ lệ nghịch với nhu cầu. Cụ thể, mức độ quan tâm nhà đất tại Hà Nội ghi nhận ở ngưỡng cao, TP.HCM lại có dấu hiệu đi xuống. Trong khi đó, giá căn hộ tại TP.HCM tăng thêm 2% so với quý trước, tại Hà Nội lại đi ngang, thậm chí giảm 2% ở phân khúc cao cấp. Trước đó, vào năm 2019 giá rao bán BĐS của TP.HCM tăng trung bình đến 12%, trong khi Hà Nội chỉ tăng 6%.

Xét về mức giá trên toàn phân khúc, giá căn hộ bình quân TP.HCM hiện vào khoảng 44 triệu/m2. Trong khi đó, giá căn hộ trung bình tại Hà Nội khoảng 30,7 triệu/m2. Tức là, để sở hữu hai căn hộ có điều kiện tương đương nhau, người mua tại TP.HCM phải trả nhiều hơn từ 12 - 13 triệu đồng/m2 (khoảng 30%).

Nguyên nhân do đâu

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến xu hướng này. Một là, nguồn cung từ các dự án tại TP.HCM bị sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2018 và chưa có dấu hiệu hồi phục, khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao. Hai là, căn hộ tại TP.HCM vẫn có sức hấp dẫn hơn Hà Nội. Minh chứng là TP.HCM bán được 24.000 căn hộ trong năm 2019, cao hơn 3.000 căn so với Hà Nội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, TP.HCM vẫn đạt tỷ lệ tiêu thụ từ 75 - 90% nguồn hàng rao bán.

Ông Ngô Đức Sơn, TGĐ Công ty DRH Holdings phân tích, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, giá nhà tăng là tất yếu. Trước đây, mặt bằng giá tại TP.HCM và các tỉnh lân cận thấp hơn Hà Nội do chưa được hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhưng 3 năm gần đây, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai ở TP.HCM, nhất là khu phía Đông. Đây là một trong những đòn bẩy làm tăng sức hút của BĐS cũng như tăng tính thanh khoản của thị trường. Một số nơi chỉ mới có tin đồn liên quan đến quy hoạch hạ tầng nhưng ngay lập tức BĐS khu vực đó đã nổi sóng.

Ông Ngô Quang Phúc, TGĐ Phú Đông Group cho rằng, quy mô dân số tại TP.HCM rất lớn, lên tới hơn chục triệu người, còn ở Hà Nội chỉ khoảng 8 triệu người. Chưa kể đến là lượng người nước ngoài đến TP.HCM sinh sống và làm việc cũng cao hơn. Lẽ dĩ nhiên, dân số đông, nhu cầu về nơi ở càng lớn. Nhưng với số lượng dự án đếm trên đầu ngón tay thì giá tăng là phù hợp với quy luật cung cầu.

Đặc biệt, thị trường Hà Nội chưa từng có hiện tượng khan hiếm nguồn cung. Nhưng các dự án phát triển nhà ở tại TP.HCM lại đang tập trung ở vùng lõi. Rất ít các quận ngoại thành được đầu tư bài bản. Các tỉnh lân cận thì không có dự án nên tính phân hóa hiện rất cao.

(Tổng hợp bởi odt.vn)