Vì hám lợi, không ít chủ đầu tư vẫn cố ý xây dựng sai thiết kế đã được các cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Điều này dẫn đến các tranh chấp không đáng có giữa khách hàng và chủ đầu tư. Trên hết, người chịu thiệt vẫn là người mua khi không được cấp sổ hồng.

Giải pháp nào cho thực trạng xây dựng sai thiết kế được phê duyệt tại TP.HCM

“Nở rộ” xây dựng sai thiết kế

Tại TP.HCM, một trong những dự án xây dựng sai thiết kế đã được Cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt là dự án căn hộ chung cư Oriental Plaza số 685 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú do Công ty Cổ phần Sơn Thuận (gọi tắt là Công ty Sơn Thuận) làm Chủ đầu tư, nằm tại số 685 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú.

Sau khi kiểm tra công trình, Sở Xây dựng TP.HCM kết luận, Công ty Sơn Thuận đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, công năng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp tại chung cư Oriental Plaza.

Cụ thể, Công ty này đã xây dựng thêm cửa hàng cà phê, nhà rửa xe tại tầng trệt. Trong khi đó, khu trước căn hộ còn bố trí thêm bãi đỗ xe ô tô. Tại tầng 3, Công ty Tân Thuận thêm 7 căn hộ so với bản vẽ thiết kế được duyệt và thêm 4 căn hộ sai phép tại các tầng 6, 8, 10, 12, 14, 16, 18, 20, 22.

Tầng hầm có diện tích 2.418m2 chưa lắp đặt hệ thống xếp xe tự động. Riêng tầng T, vốn được cấp phép là khu vực công cộng (kĩ thuật, tiện ích) phục vụ cho cư dân nhưng hiện trạng lại trở thành các dịch vụ như: văn phòng của chủ đầu tư, trung tâm tiếng Anh, phòng tập Gym, Spa…

Căn cứ vào kết luận của Sở Xây dựng TP.HCM, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt Công ty Sơn Thuận. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này khôi phục hiện trạng công trình đúng theo thiết kế đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn thực hiện một cách chậm chạp.

Cũng vướng phải những sai phạm như trên là dự án tổ hợp - nhà ở xã hội Tân Bình (Tân Bình Apartment) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình (gọi tắt là Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư, nằm tại số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình.

Theo thiết kế được các cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt, dự án này có 14 tầng nổi với 168 căn hộ, diện tích từ 30 – 68,3 m2. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra (tháng 8/2016), đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng thành phố phát hiện có đến 2.197,23 m2 của dự án này xây dựng sai giấy phép. Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý xây thêm 2 tầng căn hộ, lên thành 16 tầng. Tổng số căn hộ tăng thêm ở 2 tầng là 28 căn.

Đến tháng 9/2016, Đội 3 - Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ phối hợp cùng UBND quận Tân Bình thực hiện đốc thúc, giám sát chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục tự ý xây dựng. Trước những sai phạm, số tiền phạt mà Công ty Tân Bình phải chịu là 1,6 tỷ đồng, đây là mức xử phạt kỷ lục mà UBND TP.HCM ký quyết định.

Mặc dù vậy, cho đến nay, dự án này vẫn gây nhiều bức xúc cho người dân khi chưa thể bàn giao.

Giải pháp nào cho vấn đề này?

Chia sẻ về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM – ông Lý Thanh Long cho biết, thực trạng xây dựng sai sai thiết kế được phê duyệt diễn ra trên địa bàn thành phố không phải ngày một ngày hai, mà đã kéo dài, phổ biến và phức tạp. Đặc biệt tại những quận, huyện ngoại thành và những khu vực có tốc độ phát triển, đô thị hoá nhanh.

Thống kê cho thấy, số công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép, không phép tại TP.HCM được phát hiện và xử lý lên đến con số hàng ngàn. Nếu như năm 2017, tổng số công trình sai phạm là 2.857 công trình (bình quân mỗi ngày 7,8 vụ) thì đến năm 2018, số công trình sai phạm giảm còn 2.419 công trình (bình quân mỗi ngày 6,6 vụ). Trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình sai phạm là 1.550 công trình (bình quân mỗi ngày 8,5 vụ), so với cùng kỳ năm 2018 tăng 28%. Hầu hết, các công trình vi phạm trật tự xây dựng nằm tại các quận, huyện ngoại thành, làm phá vỡ quy hoạch chung của khu vực, cá biệt có những nhà xưởng, khu dân cư tự phát còn gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng này, bà Lê Thị Bích Hằng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, vi phạm trong hoạt động xây dựng, bao gồm cả sai thiết kế, sai phép và không phép của các cá nhân hoặc chủ đầu là không còn mới. Hầu hết bắt nguồn từ việc bám lợi mà không ít chủ đầu tư cố ý vi phạm, bất chấp những hậu quả phải nhận lấy sau này.

Bà Lê Thị Bích Hằng nói: "Theo tôi thấy, một số chủ đầu tư và cá nhân có đó tư tưởng "cứt trâu hóa bùn" hoặc cố tình xây dựng sai phép rồi tìm cách khắc phục sau, trong đó có trường hợp xin hợp thức hóa".

Chia sẻ về giải pháp cho vấn đề này, bà Hằng cho rằng cần phải có những chế tài mạnh tay, xử lý nghiêm minh, dứt điểm để tránh những hệ luỵ mà trong đó người mua là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. "Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đặc biệt tăng mức xử phạt lên, điều quan trọng là cương quyết cưỡng chế đối với những công trình sai phạm dù lớn hay là nhỏ", bà Hằng chia sẻ.