Càng về cuối năm lượng tiền đổ vào thị trường bất động sản càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu chính là bởi nguồn tiền nhàn rỗi đang rút ra khỏi kênh gửi tiết kiệm và tìm nơi “tập kết”.
Trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản thu hút dòng tiền
Động thái hạ lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã kéo theo hàng loạt các Ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay. Hiện mặt bằng chung của lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 – 36 tháng chỉ ở mức từ 5 -6%, trong khi đó các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đa phần ở mức dưới 5%. Đây là những con số cho thấy mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này khiến cho không ít người có nguồn tiền nhàn rỗi đang dần rút ra để tìm kiếm những kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, hai loại tài sản phổ biến nhất với phần lớn người dân là vàng và bất động sản. Nắm giữ hai loại tài sản này luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên dưới tác động của đại dịch, giá vàng đã liên tục leo cao kể từ đầu năm 2020 cho tới nay cũng đã khiến sức hút của loại tài sản này bị suy giảm. Theo nhiều chuyên gia, dư địa tăng hiện tại của loại tài sản này không còn nhiều khi thông tin vắc-xin Covid – 19 đã sắp sửa được phân phối trên toàn cầu.
Trong khi đó thị trường bất động sản ngoài việc được hỗ trợ bởi các thông tin tốt còn rơi vào đúng thời điểm mang tính “chu kỳ” trong năm. Quan sát cho thấy thời điểm cận Tết luôn là giai đoạn sôi động nhất của thị trường bất động sản, bất kể đó là giai đoạn trầm lắng hay đóng băng thì đây cũng là lúc các giao dịch bất động sản được thực hiện nhiều nhất.
Trong một năm đặc biệt như 2020, việc tìm kiếm một kênh đầu tư vừa an toàn vừa có lợi nhuận kỳ vọng cao thật không dễ. Bởi vậy nhiều người đã quyết định bỏ tiền vào các bất động sản để vừa “giữ tiền” lại vừa có lợi nhuận nếu như thị trường hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021.
Ngoài hai loại tài sản trên, hai kênh đầu tư ít phổ biến hơn là trái phiếu và cổ phiếu gần đây cũng thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của người dân. Với kênh trái phiếu, các nhà đầu tư vào đây đa phần là những tổ chức và cá nhân có số vốn lớn với mục đích “phòng thủ”. Hiện lãi suất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang ở mức từ 10 – 12% với các kỳ hạn khá dài, tuy nhiên độ rủi ro khá lớn so với các trái phiếu có mức lãi suất thấp hơn.
Các chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp có mức huy động trái phiếu quá cao sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn do không đủ khả năng chi trả. Những trường hợp “vỡ nợ” trái phiếu doanh nghiệp tại nước ngoài không phải là hiếm và đó là điều mà các nhà đầu tư cần quan tâm.
Đối với kênh đầu tư cổ phiếu, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sức hấp dẫn không thua kém gì kênh bất động sản khi các dòng tiền mới liên tục đổ vào thị trường. Mặc dù vậy muốn tham gia vào kênh đầu tư này đòi hỏi nhà đầu tư phải có một lượng kiến thức nhất định, do đó đa phần phù hợp với những người trẻ hơn là những nhà đầu tư trung niên đổ lên. Ngoài ra, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn, bởi vậy đây không phải kênh đầu tư dành cho số đông.
Theo đánh giá của công ty Chứng khoán SSI, lượng tiền phân vân giữa chọn chứng khoán và bất động sản thường nằm ở hai nhóm đối tượng. Với những người trẻ, đa phần có lượng vốn chưa đủ lớn để tham gia vào thị trường bất động sản, do đó sẽ nghiêng về thị trường chứng khoán.
Trong khi đó những người ở độ tuổi trung niên đổ ra, do đã có quá trình tích lũy tài chính vì vậy số vốn đầu tư thường lớn, bên cạnh đó ở độ tuổi này đa phần những người này không còn ưa thích những kênh đầu tư mạo hiểm do đó thường lựa chọn kênh bất động sản. Việc lựa chọn kênh đầu tư trong giai đoạn hiện nay phụ thuộc vào “khẩu vị rủi ro” và độ am hiểu thị trường của từng cá nhân, tuy vậy đa số đều cho rằng bất động sản và chứng khoán vẫn là những tài sản chính thu hút được dòng tiền lớn.