Giá nhà ở liên tục tăng khiến giấc mơ sở hữu nhà của người có thu nhập ngày một xa vời. Câu hỏi được đặt ra với Nhà nước là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu thiết thực này.

 “Dài cổ” chờ nhà giảm giá

Chờ và đợi trong vô vọng

Theo số liệu tổng hợp bởi ODT, hiện nay giá một căn hộ chung cư ở phân khúc bình dân tại Hà Nội rơi vào khoảng 25 triệu/m2. Còn ở TP.HCM, người mua cần phải chuẩn bị 32 triệu đồng/m2 cho căn hộ có điều kiện tương đương.

Giả sử, mức thu nhập bình quân của lao động trẻ là 20 triệu đồng/tháng, khả năng dành dụm được từ 8 – 12 triệu đồng/tháng. Như vậy, muốn sở hữu được một căn hộ bình dân với diện tích khoảng 60 m2 thì người ở Hà Nội cần tiết kiệm trong 12 – 19 năm. Con số này tại TP.HCM sẽ là 16 – 24 năm. Đấy là còn chưa tính toán đến các yếu tố tác động khác như: Trượt giá, thay đổi thu nhập, chỉ số tăng giá nhà ở…

Chia sẻ với chúng tôi, anh N.D. Mạnh – một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, anh đã ấp ủ giấc mơ mua nhà gần 8 năm nay. Mỗi ngày đọc tin về giá đất nơi này tăng, nơi kia sốt thì anh lại muốn nhanh chóng có tiền để mua nhà. Nhưng kiếm tiền đâu phải là dễ, giá nhà cứ tiếp tục tăng leo thang như thế này thì đến đời con cháu anh có khi vẫn phải sống kiếp ở trọ.

“Nhiều người hục mặt ngày đêm, dành dụm cả nửa đời mới mua được nhà. Trong khi đó, lại có người sở hữu hàng chục bất động sản từ nhỏ đến lớn. Với họ, đây chỉ là công cụ để kinh doanh chứ không phải mua để ở”, anh Mạnh giãi bày.

Hướng đi nào là phù hợp?

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định, đến năm 2030 tỷ lệ dân đô thị cả nước có thể tăng đến 45%, đòi hỏi phát triển thêm 70 triệu m2 nhà ở. Dù nhu cầu tăng cao là vậy nhưng chính sách thuế và phí hiện tại vẫn không thể hiện được vai trò điều tiết và định hướng thị trường. Minh chứng là thuế đất phi nông nghiệp còn ở mức thấp (khoảng 0,03%), tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ bất động sản gia tăng.

Chính vì vậy, ông Lực đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu các cơ chế, chính sách thuế đối với bất động sản thứ 2, 3… để tăng nguồn thu, giảm đầu cơ, tích trữ. Trong đó, cần xem xét điều chỉnh các mức thuế để phù hợp với từng vùng miền, phù hợp với thông lệ quốc tế (từ 0,2 - 1%)... 

Nhìn lại kinh nghiệm kiểm soát giá nhà đất tại một số quốc gia, chính sách thuế, phí cũng được áp dụng rất hiệu quả. Đơn cử, Singapore từng có thời kỳ tăng trưởng nóng khiến nhiều người sở hữu từ 5 – 7 bất động sản. Sau đó, Chính phủ nước này đã áp thuế đối với bất động sản thứ 2 trở đi. Cụ thể, người dân phải trả thuế bằng 7% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 10% cho căn nhà thứ 3. Với người bán, nếu giao dịch mua bán trong cùng 1 năm thì chịu thuế 16%, trong 2 năm chịu 12%....

Hay tại Anh quốc, thuế bất động sản được chia riêng biệt thành thuế cho ngôi nhà đầu tiên và thuế cho ngôi nhà thứ hai trở đi. Với căn nhà đầu, số tiền đóng thuế được tính theo phương pháp lũy tiến 5 bậc dựa trên giá trị nhà, từ 0 – 12%. Từ căn nhà thứ hai, vẫn lũy tiến 5 bậc nhưng mức thuế từ 3 – 15%.

Thực tế, việc áp thuế căn nhà thứ hai đã từng được đưa ra thảo luận trước đó. Song, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, việc này có thể làm xáo trộn thị trường, để lại nhiều hệ lụy. Cũng có ý kiến tán thành và đề xuất thực hiện theo lộ trình rõ ràng.