Nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản trong năm 2021 được dự báo là khó bùng nổ như giai đoạn 2018-2019. Tuy nhiên, dù mới trải qua ba tháng đầu năm nhưng một vài thị trường lại có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Liệu đây có phải là một cơn sốt đất ảo?

‘Giải mã’ cơn sốt tại 6 thị trường bất động sản khắp cả nước

Hà Nội 

Thông tin Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ hoàn thiện và trình phê duyệt trong tháng 6 tới đây đã tác động lớn đến thị trường nhà đất. Được biết, phạm vi của quy hoạch này khoảng 11.000 ha, kéo dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, đi qua 55 phường, xã của 13 quận, huyện.

Theo ghi nhận của ODT, giá đất tại nhiều khu vực của huyện Đông Anh như Đại Mạch, Đông Hội, Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Võng La… đã tăng từ 15-20%, cá biệt có nơi tăng trên 50%. Một số thị trường khác ngoài Đông Anh như Chèm, Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), Tân Lập (Đan Phượng), Thạch Cầu (Long Biên)… cũng đang “rục rịch” tăng giá.

Đây không phải là lần đầu tiên giá đất Hà Nội bị ảnh hưởng bởi thông tin quy hoạch. Vì thế, .Ban thường vụ Thành uỷ thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý quy hoạch, không được để xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách, đầu cơ, tích trữ đất đai.

Bình Phước

Cơn sốt tại Bình Phước diễn ra ở huyện Hớn Quản hồi đầu tháng 3 năm nay nhưng hiện đã lắng xuống. Nguyên nhân của cơn sốt này là do trước đó UBND tỉnh đã tổ chức khảo sát thực địa để đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-ních để thực hiện sân bay lưỡng dụng.

Chỉ trong một tuần, giá đất tại huyện Hớn Quản sau khi có thông tin đã tăng “dựng đứng”. Đến những lô đất trồng rừng, trồng cây ăn quả cũng không ngoại lệ. Đáng chú ý nhất là một số thửa đất nằm gần cổng sân bay tăng lên hàng tỷ đồng sau vài ngày chuyển nhượng qua lại.

Quảng Ninh

Trong văn bản chỉ đạo gửi tới các cơ quan chức năng, phường, xã mới đây, UBND TP Hạ Long đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, ngăn chặn các dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Đơn cử như dự án khu dân cư xã Thống Nhất, khu dân cư đô thị phường Cao Xanh…

Theo thành phố Hạ Long, các dự án này chưa được phép chuyển nhượng, giá đất tăng cao là hoạt động “thổi giá” của các nhóm đầu cơ hoạt động có tổ chức. Cụ thể, nhóm người này sẽ mua đất từ các dự án nói trên với giá rẻ. Sau đó là lợi dụng những tin tức về quy hoạch, tạo ra những đợt sóng ảo để bán được với giá cao.

Bắc Giang

Gần đây, giá đất nền tại huyện Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên tăng mạnh, thậm chí tăng gấp đôi trong thời gian ngắn. Giá đất tăng đột biến bắt nguồn từ việc “ăn theo” thông tin sẽ xây dựng nhiều dự án có quy mô lớn như khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf… Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra chỉ thị ngăn chặn hiện tượng mua đi bán lại, đầu cơ đất đai.

Quảng Trị

Ngày 23/3, UBND tỉnh Quảng Trị cũng có văn bản yêu cầu tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai. Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng mua bán, chuyển quyền trái quy định, Giá đất tăng chóng mặt, nhất là khu vực ven biển, khu vực có quy hoạch sân bay, khu đô thị… Ví dụ như tại Khu đô thị Bắc sông Hiếu (TP. Đông Hà), từ cuối năm 2020 đến nay giá đất đã tăng từ 7 - 8 triệu/m2 lên hơn 10 triệu/m2.

TP.HCM

Các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè được Sở Nội vụ TP.HCM trình đề án chuyển đổi lên thành quận hoặc thành phố trực thuộc trong giai đoạn 2021 - 2030. Thông tin này đã làm “dậy sóng” thị trường bất động sản thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM cảnh báo, đề án vẫn chưa được phê duyệt và chưa có lộ trình cụ thể. Việc đưa tin đến người dân phải cẩn thận, không thể để các đối tượng lợi dụng đẩy giá đất ảo, gây ảnh hưởng đến thị trường nhà đất.