Sau khi 3 luật mới có hiệu lực từ ngày 1/8, thị trường nhà ở xã hội sẽ cải thiện. Dự báo trong giai đoạn đầu năm 2025 - cuối năm 2026, cả nước sẽ có hàng trăm nghìn căn hộ nhà ở xã hội đổ bộ thị trường.
Việc đầu tư và phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp luôn được đặc biệt chú trọng. Trước đó, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ giai đoạn 2021 - 2030. Và để làm được điều đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được triển khai vào tháng 4/2023, với kỳ vọng góp phần hiện thực hoá mục tiêu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gói này mới giải ngân được chưa tới 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với cuối quý 1. Trong tổng số tiền giải ngân, thì giải ngân cho chủ đầu tư khoảng 1.202 tỷ đồng (chiếm 97,4%), giải ngân cho người dân vay mua nhà khoảng 32 tỷ (chiếm 2,6%).
Chia sẻ về lý do tỷ lệ giải ngân thấp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tích Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, việc làm nhà ở xã hội hiện này còn gặp nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến quỹ đất, quy hoạch, thủ tục, vốn và đầu ra.
Để cải thiện tình trạng này và giải quyết những khó khăn trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, 3 luật mới (Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản) cũng tác động rất lớn đến các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành cho việc phát triển các dự án nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, khắc phục thực trạng thiếu quỹ đất để phát triển, cho phép doanh nghiệp phát triển dự án được lựa chọn bố trí quỹ đất đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở thương mại phát triển hoặc ở khu vực khác hoặc trả tiền tương đương.
Ngoài ra, luật cũng mở rộng đối tượng đầu tư nhà ở xã hội, thêm trường hợp là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư khi làm các dự án nhà ở xã hội không phải thực hiện thủ tục miễn sử dụng đất. Điều này giúp rút ngắn tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội tới 2 năm.
Đặc biệt, chủ đầu tư nhà ở xã hội không bắt buộc dành 20% diện tích để cho thuê. Điều này giúp chủ đầu tư xoay vốn nhanh hơn, tăng lợi nhuận và từ đó, sẵn sàng tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Ngoài các quy định có lợi cho chủ đầu tư, luật mới cũng tạo điều kiện cho người dân thuê mua nhà ở xã hội. Cụ thể, luật đã bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú và tăng mức thu nhập tối thiểu để mua nhà ở xã hội từ 11 triệu lên 15 triệu/tháng.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội so với hiện hành là hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị và doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Nhờ những điểm mới trên, dự báo thị trường nhà ở xã hội trên cả nước, nhất là các tỉnh thành phát triển có nhu cầu lớn, sẽ được cải thiện từ năm 2025. Cụ thể, nguồn cung nhà ở xã hội được dự báo là trên 200.000 căn trong giai đoạn 2025 - 2026.