Theo phản ánh của nhiều đơn vị báo chí, trong vài năm gần đây, giá thuê đất trong các khu công nghiệp đã tăng ít nhất 3 – 4 lần. Đây chính là nguyên nhân khiến các khu công nghiệp thiếu hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Vậy nên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu vấn đề này và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.

Giá thuê khu công nghiệp tăng chóng mặt, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu xử lý

Doanh nghiệp là người bị động

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua, nhiều đơn vị báo chí đã phản ánh về tình trạng giá thuê đất trong các khu công nghiệp tăng 3 – 4 lần, thậm chỉ có khu vực tăng đến hàng chục lần chỉ trong vỏn vẹn vài năm. Cùng với những tác động tiêu cực từ làn sóng dịch Covid-19, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, họ cho biết: Theo quy định trước đây thì giá thuê đất sẽ ổn định trong 5 năm đầu, cứ mỗi 5 năm tiếp theo sẽ được chiều chỉnh lại với mức tăng không vượt quá 15% theo giá hợp đồng. Tuy nhiên, kể thì khi Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 (về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước) có hiệu lực thì phần lớn các doanh nghiệp hoàn toàn bị động và không thể tính toán số tiền thuê phải nộp.

Lý do là vì Nghị định quy định đơn giá thuê đất chỉ ổn định trong thời hạn 5 năm. Hết thời hạn này, đơn giá sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tham chiếu giá đất ở khu vực tiếp giáp trên thị trường.

Mặt khác, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hình thức đóng tiền thuê đất. Một là đóng tiền thuê một lần cho cả 50 năm, hai là đóng tiền thuê hàng năm. Nhưng lại không quy định chi tiết hình thức nào áp dụng cho doanh nghiệp nào, tất cả lại tùy vào mỗi địa phương, mỗi dự án.

Đáng chú ý, tại một số khu vực còn xảy ra tình trạng chỉ cho phép doanh nghiệp đóng tiền hàng năm, không được phép nộp theo chu kỳ 50 năm. Nếu giá đất tiếp tục tăng phi mã và cơ chế này còn tồn tại 10 năm nữa thì giá thuê sẽ tăng ít nhất 13 lần. Các khu công nghiệp sẽ nhanh chóng phá sản thì không có khách thuê. Bên cạnh đó, việc đóng tiền thuê hàng năm cũng có nghĩa là doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không thể thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng.

Trước những thông tin phản ánh như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, xử lý kịp thời những vướng mắc, báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh để Thủ tướng có chỉ đạo phù hợp.