Một làn sóng đổ bộ các doanh nghiệp nước ngoài vào các khu công nghiệp của Việt Nam là điều đã được nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế dự báo. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là mở rộng thêm quỹ đất, gia tăng nguồn cung trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Các chỉ số sản xuất công nghiệp đang hồi phục nhanh
Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự hồi phục nhanh ở nhiều lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chiếm phần lớn là sản xuất hàng hóa và sản xuất điện. Dự báo trong năm 2021, đà tăng sẽ còn mạnh hơn nữa bởi sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự hồi phục của nhu cầu nước ngoài. Các tổ chức ước tính sản lượng công nghiệp sẽ tăng gần 3% trong năm sau, đem tới nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất.
Việc Chính phủ thành công trong kiểm soát đại dịch, khiến cho thiệt hại lên nền kinh tế chỉ dừng ở mức tối thiểu. Lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số PMI (chỉ số sức mua) đã tăng lên trên mức 51 điểm. Các thống kê và con số cho thấy sự tăng lên mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, cùng với đó là sự quay trở lại của các đơn hàng mới. Điều này đã góp phần giải phóng hàng tồn kho và cho thấy sức mua đang trên đà tăng trở lại.
Trong bối cảnh như vậy, cùng với việc rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề mở mới và mở rộng sản xuất tại Việt Nam đã khiến cho việc tăng thêm năng lực đáp ứng tại các khu công nghiệp trở thành một yêu cầu thiết yếu. Tính đến thời điểm này, trên cả nước đang có 336 khu công nghiệp, tuy nhiên chỉ có 261 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, còn lại 75 khu vẫn đang trong quá trình xây dựng. Với công suất lấp đầy trung bình trên 76% và đặc biệt một số tỉnh có khả năng lấp đầy cao hơn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng trong thời gian tới con số này sẽ tăng vọt bởi làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Theo thống kê từ Bộ phận bất động Công nghiệp thuộc Savills Việt Nam, kể từ năm 2018 cho tới nay một số khu vực trọng điểm về công nghiệp đã có sự gia tăng đáng kể quỹ đất. Có thể kể tới Bình Dương, Đồng Nai, Long An tại khu vực phía Nam, trong khi đó Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng là trọng điểm tại miền Bắc.
Mặc dù vậy, chuyên gia của Savills cũng cho rằng nguồn cung có thể sẽ không đủ so với nhu cầu ngày một tăng cao. Hiện tại, do ảnh hưởng từ việc hạn chế đi lại nên một số doanh nghiệp nước ngoài chưa thể thực hiện ngay các hợp đồng ký kết mới mà đa phần các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê liên quan tới bất động sản công nghiệp có từ trước khi xảy ra đại dịch, đa phần trong số đó được thực hiện bởi các công ty đã có mặt tại Việt Nam.
Có thể thấy ngành công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn, tuy nhiên để có thể nắm bắt được cũng cần phải có các giải pháp lẫn quyết tâm để dỡ bỏ các rào cản hiện tại. Nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức, trong chu kỳ phát triển mới có thể sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những cái nôi sản xuất của toàn thế giới.
(Tổng hợp bởi odt.vn)