Giấc mơ sở hữu một ngôi nhà của không ít người dân đang ngày một trở nên xa vời do giá bất động sản tăng quá nhanh. Bất chấp dịch bệnh, giá căn hộ và đất nền tại hầu hết các khu vực đều tăng so với trước đây, trong khi đó thu nhập của người dân gần như không đổi, thậm chí có người còn bị giảm thu nhập bởi tác động tiêu cực từ đại dịch.

Giá nhà tăng tốc, người lao động “méo mặt” với nỗi lo an cư

Tích góp mãi vẫn không mua nổi nhà

Chia sẻ câu chuyện của mình với phóng viên, chị Bùi Thu Trang hiện đang làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM không khỏi cảm thán. Hành trình lập nghiệp của chị và gia đình nơi thành phố đã được gần chục năm, tuy nhiên cả gia đình vẫn phải chịu cảnh đi thuê nhà. Theo chị cho biết, với mức lương cơ bản của chị và chồng (cũng là dân văn phòng), sau khi trừ đi các khoản chi phí dành cho sinh hoạt gia đình, học hành của con cái thì giỏi lắm cũng chỉ để ra được vài triệu/tháng. Số tiền bỏ ra này không thấm vào đâu so với mức tăng của bất động sản thành phố nơi chị ở, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm gần đây thị trường trải qua các cơn sốt đất.

Những tưởng đại dịch Covid – 19 xảy ra sẽ khiến cho giá của bất động sản giảm đi, để những người như chị có thêm cơ hội sở hữu được một ngôi nhà mơ ước. Tuy nhiên trái với dự đoán của nhiều người, giá căn hộ đồng loạt tăng giá một cách bất ngờ, nhiều nơi thiết lập những mặt bằng giá mới.

Cầm số tiền hơn 1 tỷ đồng trong tay, chị Trang cho biết đến giờ chị vẫn còn tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội để đời. Hồi đầu năm, khi ấy chị và chồng được môi giới dẫn đi xem một căn hộ bình dân cần bán gấp với giá hơn 1,5 tỷ. Sau nhiều đắn đo vì số tiền vẫn vượt quá ngân sách của gia đình, nếu mua sẽ phải vay mượn thêm khá nhiều, cộng với việc nhiều người khuyên nên đợi thêm vì giá có thể sẽ giảm mạnh nên hai vợ chồng chị quyết định gửi số tiền này vào ngân hàng và chờ đợi. Ai ngờ đâu chỉ vài tháng sau, giá căn hộ ở khu vực này giờ đã tăng lên tới hơn 30% làm hai vợ chồng chị chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối. Giấc mơ sở hữu một căn nhà ngày càng xa vời hơn khi mới đây chồng chị vừa nhận quyết định cắt giảm nhân sự vì công ty gặp khó khăn trong kinh doanh.

Những trường hợp như gia đình chị Trang không phải là hiếm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, thậm chí tại các tỉnh phát triển và thu hút nhiều lao động nhập cư như Bình Dương, Đồng Nai cũng thường xảy ra tình trạng này.

Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng mức giá tăng của bất động sản hiện nay gấp hàng chục lần mức tăng thu nhập của người lao động, khiến cho việc sở hữu bất động sản ngày một khó khăn. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA cho biết, không chỉ là vấn đề giá cao mà còn thiếu hụt nguồn cung các căn hộ giá bình dân, điều này đang tạo ra sự lệch pha cung – cầu rất lớn trên thị trường bất động sản. Hiện nay các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 gần như không còn xuất hiện tại Hà Nội hay TP.HCM, mặc dù cách đây vài năm vẫn còn các dự án như vậy.

Không chỉ đất đai ở khu vực trung tâm mà ngay cả những khu vực vùng ven, cách xa trung tâm tới hàng chục cây số, giá đất vẫn âm thầm leo thang vượt ngoài tâm với của nhiều người. Xu hướng tăng giá này được các chuyên gia trong ngành dự báo còn tiếp tục diễn ra trong năm 2021, điều này đã và đang đè nặng áp lực lên một bộ phận không nhỏ người dân.