Sau một năm bị phủ bóng đen Covid – 19, hầu hết các phân khúc bất động sản đều trồi sụt bất thường. Trong đó có những phân khúc gần như bị tê liệt hoàn toàn mà đến giờ vẫn chưa hồi phục được thì cũng lại có những phân khúc biết cách “tỏa sáng” trong tâm bão. Hãy cùng điểm qua những phân khúc có mức biến động lớn nhất trong năm 2020.

Điểm mặt hai phân khúc bất động sản “ảm đạm” nhất 2020

Một năm đáng quên của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Đại dịch Covid – 19 ập tới không khác gì đòn knock-out để hạ đo ván thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã chịu nhiều tổn thương từ năm 2019. Những lùm xùm liên quan tới pháp lý còn chưa được giải quyết, cộng với những vụ bê bối của các ông lớn trong ngành như Cocobay, FLC hay Bavico Nha Trang đã khiến cho nhà đầu tư mất hết niềm tin vào những lời cam kết lợi nhuận từ phân khúc này.

Cơn bão đại dịch tới ngay đầu năm 2020 đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam nói riêng gần như tê liệt hoàn toàn, càng làm cho tình hình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thêm phần ảm đạm. Nhu cầu thuê giảm mạnh cũng khiến cho việc vận hành của hàng loạt dự án nghỉ dưỡng nổi tiếng phải đặt trong tình trạng “báo động đỏ”. Trong tâm bão, một ông lớn khác trong làng bất động sản nghỉ dưỡng là Tập đoàn FLC cũng đã phải ra quyết định thông báo tạm dừng chi trả lợi nhuận theo cam kết cho những nhà đầu tư, vụ việc này được cho là chỉ xếp sau vụ bê bối của Cocobay trước đó.

Theo ghi nhận trong năm qua, tình trạng tạm dừng hoạt động, rao bán, chuyển nhượng trong lĩnh vực khách sạn và cơ sở lưu trú tăng cao kỷ lục. Không chỉ giới đầu tư và kinh doanh nhỏ lẻ lâm vào tình trạng này, mà ngay cả những chuỗi khách sạn lớn, thậm chí có cả những thương hiệu nổi tiếng cũng phải tạm dừng và thu hẹp quy mô kinh doanh vì nguồn khách nước ngoài gần như không có. Theo thống kê từ Sở du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết thì sau đợt bùng phát Covid – 19 lần thứ 2, trên địa bàn ghi nhận khoảng ¼ cơ sở lưu trú và khách sạn đã bị rao bán.

Đây được coi là năm đáng quên nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong nhiều năm gần đây. Với tình hình dịch bệnh còn phức tạp trên thế giới như hiện nay, khả năng cao trong năm tới tình hình du lịch cũng chưa được cải thiện nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho phân khúc này được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Bất động sản cho thuê giảm giá thê thảm sau nhiều năm tăng trưởng

Được ví như “con gà đẻ trứng vàng” trên thị trường bất động sản, các căn nhà mặt tiền tại các tuyến phố lớn luôn là tài sản đảm bảo đem tới lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư. Tuy nhiên trong năm vừa qua đây cũng là phân khúc bị biến động rất mạnh do tác động của đại dịch. Ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, giá nhà mặt phố cho thuê giảm từ 30 – 50% trong thời điểm đại dịch còn diễn biến phức tạp, cùng với đó là nhu cầu thuê đã giảm sút không phanh tính từ đầu năm.

Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy chưa bao giờ phân khúc nhà riêng và nhà mặt phố lại bị sụt giảm lượng quan tâm như trong năm 2020. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM sự sụt giảm lần lượt là 16% và 24%. Trong suốt lịch sử phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, lần đầu tiên ghi nhận tình trạng hàng loạt các mặt bằng có “vị trí vàng” bị bỏ trống hàng loạt trên các tuyến phố lớn. Đây cũng là giai đoạn hiếm hoi mà người cho thuê phải “xuống nước” với bên thuê, nhiều chủ nhà chủ động giảm tới 30 – 50% chi phí thuê để giữ chân khách.

Các hoạt động kinh doanh có diễn biến khả quan hơn trong thời điểm cuối năm, tuy nhiên nhìn chung vẫn là một năm tương đối ảm đạm của toàn bộ thị trường bất động sản cho thuê. Trong năm 2021, phân khúc này được dự báo có sự hồi phục lớn hơn tuy nhiên mức độ hồi phục còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và sức khỏe của toàn nền kinh tế.