Bất chấp các tác động của dịch bệnh lên hầu khắp các ngành nghề và cuộc sống của mọi người, dường như bất động sản đang được miễn nhiễm. Theo đánh giá từ cả người mua lẫn các cơ quan chức năng, hiện giá nhà đang không phản ánh giá trị thật và đang quá cao so với thu nhập của người dân Việt Nam.

Giá nhà tại Hà Nội và TP.HCM đang không phản ánh giá trị thật?

Giá vẫn tăng so với trước dịch

Theo số liệu từ Bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn và thẩm định giá CBRE Việt Nam cho thấy giá nhà tại Việt Nam có xu hướng tăng bất chấp tình hình dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Lý giải cho nghịch lý này, một số chuyên gia cho rằng do bất động sản là loại hình đầu tư lâu dài và khi một chủ đầu tư muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì cần rất nhiều thời gian, trung bình từ 2 – 4 năm, do đó tác động của dịch mới chỉ xảy ra trong ngắn hạn sẽ rất khó ảnh hưởng tới lộ trình giá của các chủ đầu tư.

Mặt bằng giá mới nếu muốn có sự điều chỉnh thì phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vì vậy các sản phẩm được các chủ đầu tư chào bán ra thị trường trong giai đoạn năm 2020 đã phần nào phản ánh giá và kế hoạch từ phía chủ đầu tư từ trước khi xảy ra dịch. Trong năm nay các sản phẩm được tung ra thị trường cũng chủ yếu là phân khúc bình dân và trung cấp, phù hợp với túi tiền của đại đa số người đang có nhu cầu sở hữu nhà ở.

Trao đổi với bà Nguyễn Hoài An, giám đốc bộ phận tư vấn và thẩm định giá của CBRE Việt Nam, bà đưa ra nhận định rằng từ nay tới cuối năm giá của các sản phẩm bất động sản sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên có thể xảy ra tình trạng đầu cơ ở một số phân khúc đất nền hoặc nhà đất liền thổ tại các khu vực vùng ven Hà Nội, khiến cho giá cả tăng trưởng đột biến, đặc biệt là tại một số khu vực đang có các đại dự án được triển khai nhanh của chủ đầu tư lớn trong nước.

Bộ Xây dựng cũng đã lên tiếng

Mới đây nhất tại báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ Xây dựng có nêu tình trạng mất cân đối trong lĩnh vực nhà ở, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tại các thành phố này đang dư thừa nguồn cung căn hộ và nhà ở thuộc phân khúc trung và cao cấp, đặc biệt phân khúc bình dân phù hợp với nhiều người dân có nhu cầu thì lại khan hiếm trầm trọng. Trong báo cáo cũng nêu ra các vấn đề bất cập của thị trường bất động sản như giá nhà ở biến động bất thường, không phản ánh đúng giá trị thật của bất động sản.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay giá bất động sản đang vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân, nhất là tại các tỉnh thành lớn trên cả nước. Tình trạng đầu cơ, thổi giá của giới đầu tư vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, các đối tượng này lợi dụng tin đồn về quy hoạch hạ tầng để rồi dùng mọi chiêu trò thổi giá bất động sản lên một cách đột biến trong thời gian ngắn. Đặc biệt là các đối tượng này hoạt động công khai và hiện không có chế tài để xử lý, thậm chí một số địa phương đã xuất hiện các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan tới các “dự án ma”.

Trước thực tế đang diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng người mua nhà cần cân nhắc kỹ lưỡng từ pháp lý cho tới giá cả của các sản phẩm bất động sản đang chào bán trong thời điểm hiện tại. Trước khi xuống tiền cần so sánh với giá của các dự án lân cận, tránh rơi vào “bẫy giá” của các chủ đầu tư và giới đầu cơ tạo ra nhằm bán được giá cao.

Một trong số bất cập mà Bộ này đưa ra, đó là hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)