Kể từ khi chúng ta chính thức mở cửa cho tới nay đã trải qua 2 chu kỳ bất động sản công nghiệp, lần thứ nhất vào năm 1996 và lần thứ 2 vào năm 2007. Tuy nhiên nhiều người đánh giá rằng làn sóng thứ 3 sắp tới mới là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của phân khúc này, khi mọi yếu tố dường như đều đang rất thuận lợi.

Đón đầu làn sóng bất động sản công nghiệp mới mạnh nhất 25 năm

Đón đầu xu hướng - Cơ hội để chuyển mình  

Trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, chưa khi nào nền kinh tế công nghiệp của chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Trong những năm qua diện tích đất công nghiệp đã liên tục được mở rộng và phát triển trên khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam, qua đó thu hút các nhà đầu và doanh nghiệp lớn của nước ngoài mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Mới đây ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã đưa ra nhiều đánh giá đáng chú ý về xu hướng và tiềm năng của ngành công nghiệp cũng như phân khúc bất động sản công nghiệp tại nước ta. Theo ông Hoàng, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng bất động sản công nghiệp trong 25 năm qua, mỗi làn sóng sau lại mạnh hơn sóng trước.

Lần đầu tiên vào năm 1996, sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam mở cửa để đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài khá mạnh mẽ, các khu công nghiệp lớn cũng dần dần được xây dựng và hình thành từ lúc này. Cho tới năm 2007 – 2008, khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO thì cũng là lúc bất động sản tại các tỉnh phát triển công nghiệp được hưởng lợi lớn. Nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn này với những khu công nghiệp quy mô lớn và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên ông Hoàng đánh giá làn sóng thứ 3 tới mới thực sự là thời điểm “vàng” của bất động sản công nghiệp, khi mà rất nhiều yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đều đang đứng về phía chúng ta. Thực tế không phải từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid – 19 nổ ra chúng ta mới nghĩ tới điều này, mà thực tế trong những năm gần đây đã có một làn sóng âm thầm phát triển công nghiệp với tầm nhìn lâu dài ở Việt Nam. Chiến tranh thương mại và dịch bệnh chỉ như một chất xúc tác, làm bùng lên nhu cầu dịch chuyển và làm cho chu kỳ thứ 3 này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Qua trao đổi với những đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà đầu tư rất muốn sang Việt Nam nhưng chưa thực hiện được", ông Hoàng cho biết.

Cũng đánh giá rất cao bất động sản công nghiệp Việt Nam còn có ông C.K Tong, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial. Ông cho biết: "Gần đây, chúng tôi nhận được những lời yêu cầu thuê đất, nhà xưởng, nhà kho từ những doanh nghiệp có nguồn gốc từ châu Âu. Đáng chú ý là những doanh nghiệp này cũng đã có nhà xưởng đặt tại Trung Quốc. Điểm quan trọng trong việc dịch chuyển này là các nhà sản xuất không di chuyển một mình. Đây là sự dịch chuyển của toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng như một xu thế tất yếu và vì vậy cơ hội từ làn sóng mới rất lớn".

Có thể thấy ở chu kỳ này, chúng ta đang có “thiên thời” đó là sự dịch chuyển sản xuất trên thế giới khi nhiều quốc gia đang có xu hướng tách ra khỏi Trung Quốc, yếu tố thứ 2 đó là “địa lợi” khi chúng ta nằm sát cạnh Trung Quốc khiến cho việc dịch chuyển sẽ rất dễ dàng và nhiều tính tương đồng, chưa kể tới đường bờ biển kéo dài khắp cả nước cùng với đó là hệ thống cảng biển lớn. Yếu tố cuối cùng là “nhân hòa”, chưa bao giờ Việt Nam ổn định cả về thể chế chính trị cho tới tiềm lực con người như hiện nay, dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động đang được đánh giá là “giai đoạn vàng” để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Chính những yếu tố đó là nền tảng để chúng ta hướng tới một cuộc đón đầu xu hướng mạnh mẽ, mà nhiều chuyên gia đánh giá là có thể sẽ mang tới bộ mặt hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp Việt Nam.

(Tổng hợp bởi odt.vn)