Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid – 19, thị trường bất động sản TP.HCM gần như đóng băng trong thời gian qua. Riêng ở phân khúc căn hộ, lượng giao dịch sụt giảm rất mạnh, mặc dù vậy giá căn hộ lại có dấu hiệu tăng nhẹ so với lúc trước.
Nguồn hàng mới giảm rất mạnh
Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh và thành phố phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đã khiến cho lượng người có nhu cầu giao dịch bất động sản tạm thời giảm xuống mức rất thấp. Ngay cả các chủ đầu tư dự án lớn cũng đang phải “án binh bất động”, trước mắt là lùi và tạm hoãn các kế hoạch kinh doanh trong ngắn hạn để theo dõi tiếp diễn biến của thị trường. Bởi ngay lúc này, các buổi lễ ra mắt dự án hay các buổi truyền thông quảng cáo cho sản phẩm mới đều không thể thực hiện được, trong khi đó người mua cũng không có tâm trí để đi xem sản phẩm. Theo thống kê mới đây cho thấy có tới 80% sàn môi giới phải tạm dừng hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn trong vòng 3 tháng qua.
Các con số không biết nói dối, nếu so với thời điểm tháng 6/2021, lượng tin tức rao bán trên các trang mua bán bất động sản trực tuyến đã giảm tới hơn 40%. Với phân khúc căn hộ chung cư, mức độ sụt giảm mạnh nhất lại thuộc về căn hộ bình dân (giảm tới 48%), trong khi đó căn hộ cao cấp và trung cấp tuy mức độ giảm ít hơn nhưng cũng xấp xỉ 40%. Các số liệu trên cho thấy tình trạng ảm đạm của thị trường căn hộ trong thời gian gần đây, thậm chí có thể nói là mức giảm tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch cho tới nay.
Chính bởi nguồn hàng mới không có, cũng làm sụt giảm nhu cầu tìm mua. Sức mua trong thời gian qua giảm tới 25% so với trước khi bùng phát dịch. Mức giảm cũng tương tự khi chứng kiến sự giảm mạnh nhất ở phân khúc bình dân (giảm 31%), sau đó là phân khúc trung cấp (giảm 22%) và cuối cùng là phân khúc cao cấp (14%).
Mặc dù thị trường chung đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ cung cho tới cầu, tuy nhiên nghịch lý vẫn diễn ra khi giá cả của phân khúc căn hộ lại có dấu hiệu tăng nhẹ so với trước đó. Sự ảm đạm của thị trường và tác động tiêu cực từ đại dịch có vẻ như không phản ánh vào giá của căn hộ khi giá bán trên thị trường TP.HCM vẫn đang miệt mài thiết lập giá mới. Các dữ liệu mới cho thấy, giá trên thị trường sơ cấp đã tăng 2% so với tháng 6/2021, còn nếu so với thời điểm này của năm ngoái thì giá đã tăng tới 10%.
Theo các chuyên gia, nghịch lý này không phải điều mới trên thị trường bất động sản Việt Nam, thậm chí trên thế giới cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự tại một số nước. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do nguồn cung ngày càng ít do ảnh hưởng của đại dịch, khiến cho giá bán trên thị trường sơ cấp tăng mạnh. Bên cạnh đó, thị trường TP.HCM chịu ảnh hưởng do “tác động kép” từ việc siết chặt vấn đề về pháp lý của các dự án, lẫn việc tạm hoãn của hàng loạt chủ đầu tư dự án mới. Thời gian các dự án bị đình trệ, kéo dài càng lâu thì chi phí phát sinh lại càng bị cộng dồn vào giá bán, khiến cho lúc mở bán chủ đầu tư thường hay đưa ra các mức giá bán tăng cao hơn so với lúc trước. Ngoài ra, việc thiếu hụt các dự án mới cũng làm suy giảm mức độ cạnh tranh trên thị trường, điều này làm sự lựa chọn của người mua thiếu đa dạng, dẫn tới việc chủ đầu tư dễ dàng “làm giá” cục bộ.
Mặc dù vậy, nghịch lý trên khó có thể tồn tại lâu nếu như tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát. Các chuyên gia cho rằng, giá bất động sản, đặc biệt là căn hộ tại TP.HCM sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào diễn biến của đại dịch trong giai đoạn từ nay cho tới cuối năm. Bên cạnh đó, một số giải pháp và các chính sách hỗ trợ sắp được Chính phủ ban hành trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ giúp giảm áp lực lên nhu cầu nhà ở cũng như tăng nguồn cung thị trường, từ đó khiến cho giá căn hộ tại TP.HCM trở nên cân bằng hơn.