Chu kì tăng trưởng còn được dự báo là sẽ kéo dài, cùng với việc nguồn vốn của khối ngoại cũng liên tục đổ vào đã khiến cho làn sóng đầu tư bất động sản khu công nghiệp lên ngôi trong mấy năm qua. Những điều đó đã giúp thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào phân khúc này, mặc dù vậy không phải ai cũng thu hoạch được lợi nhuận.
Gom tiền đầu tư đất công nghiệp, kẻ thắng lớn người phải cắt lỗ
Cách đây 3 năm, khi cơn sốt bất động sản ở tỉnh mới manh nha, anh Vũ Tuấn Hùng đã bàn với gia đình bán ngôi nhà ở vùng quê miền Bắc để khăn gói vào Nam lập nghiệp. Gom góp bằng đủ mọi cách, lúc đó cả gia đình anh cũng mua được căn nhà tại một tỉnh có thế mạnh về khu công nghiệp tại phía Nam với giá chỉ hơn 800 triệu đồng. Khu công nghiệp nơi anh sống lúc đó cũng nhiều việc làm nên anh đã xin được vào một xí nghiệp chuyên về xuất khẩu may mặc với mức lương rất tốt so với trước đây. Vợ anh ở nhà mở tiệm bán tạp hóa cho công nhân trong khu công nghiệp nên cũng có thêm thu nhập. Xa quê lập nghiệp cũng nhiều khó khăn nhưng do bản tính chăm chỉ và tiết kiệm, vợ chồng anh Hùng cũng đã ổn định được cuộc sống.
Một thời gian sau, khu vực nơi anh ở mở rộng thêm nhiều dự án nhà máy, thu hút lượng người về ngày càng đông khiến cho bất động sản khu vực này tăng lên nhanh chóng. Căn nhà anh mua năm đó nay đã tăng giá gấp đôi bởi nằm ở vị trí kinh doanh thuận lợi. Tâm sự với nhiều người, anh Hùng vẫn nói mình đã quá may mắn khi ngày đó dũng cảm quyết tâm xa quê lập nghiệp. Thầm cảm ơn mảnh đất nơi anh coi như quê hương thứ hai của mình, anh tự nhủ nếu ngày đó không liều gom tiền mua căn nhà này thì không biết tới giờ anh có được như ngày nay hay không.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn và thuận lợi như câu chuyện của anh Hùng. Bởi cũng có không ít người đã gặp thua lỗ khi trót đầu tư bất động sản công nghiệp khi hùa theo đám đông trong cơn sốt. Như chị Phạm Thị Ngọc chia sẻ, năm 2019 chị nghe theo lời rủ của một người chị trong công ty để đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp ở quê người chị này. Do ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm đầu tư nên khi nghe người chị nói thấy việc kiếm lời quá hấp dẫn chị đã huy động hết tiền dành dụm bao năm đi làm của hai vợ chồng, lại vay thêm cả bố mẹ hai bên để mua chung lô đất. Lô đất chị mua nằm ở một tỉnh phía Bắc, khi đó cũng mới chỉ có tin đồn là sẽ có tập đoàn nước ngoài về đây xây dựng nhà máy chứ thực sự địa phương không có ưu thế gì về công nghiệp.
Khi mua do không có kinh nghiệm và ham rẻ nên hai người mua phải lô đất nằm ở vị trí khuất sâu phía trong, lại bị vướng một số lỗi phong thủy. Sau đó, do công ty nước ngoài kia mãi vẫn chưa triển khai dự án, còn khu đất nơi chị mua thì hoang vắng không có người đến ở nên lúc đó muốn bán mà không có người mua. Suốt hơn 1 năm không bán được, chị bị gia đình trách móc nên rất khổ tâm. Dịch bệnh xảy ra càng khiến cho áp lực về tiền bạc nặng thêm, khoản vay của bố mẹ hai bên dù không phải chịu lãi nhưng cũng cần phải trả để ông bà có tiền chi tiêu và chăm lo cuộc sống. Cực chẳng đã, chị phải tìm cách thương lượng và bán rẻ phần của mình cho người chị cùng công ty. Chấp nhận lỗ hơn 30% sau hơn 1 năm bị chôn vốn, chị Ngọc cay đắng nhận về nhiều bài học cho thương vụ đầu tư của mình.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp đang là xu thế bởi tiềm năng tăng trưởng của phân khúc này còn rất lớn. Tuy nhiên, muốn có lợi nhuận thì nhà đầu tư cũng cần phải biết cách chọn lựa khu vực đầu tư, hoặc đơn giản hơn là mua xong phải ở và kinh doanh ngay tại khu vực đó. Như vậy giá trị của căn nhà sẽ được tăng lên nhờ vừa thu được dòng tiền kinh doanh vừa tăng giá vốn theo thời gian.