Tuy phải đối mặt với nhiều thử thách vì hai làn sóng dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản chưa hề có dấu hiệu giảm giá hay khủng hoảng. Mới đây, tại cuộc hội thảo về bất động sản Việt Nam 2020 – 2021, hầu hết các doanh nghiệp và chuyên gia phân tích đều cho rằng đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, sinh lời tốt.
Cơ hội và thách thức
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, hiệp hội ghi nhận nhiều dự án với tỷ lệ hấp thụ lên đến 90%. Đơn cử tại TP.HCM, phân khúc dự án tầm trung, giá bán khoảng 40 triệu đồng/m2 đạt mức tiêu thụ gần 95% chỉ trong 2 – 3 tháng.
“Không thể phủ nhận được rằng, dịch bệnh có nhiều tác động xấu nhưng mọi hoạt động của thị trường bất động sản vẫn tốt và chưa gặp khủng hoảng. Những khó khăn hiện tại của thị trường xuất phát từ yếu tố bên ngoài chứ không phải bên trong”, ông Đính chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, nhu cầu của thị trường đang mức cao nhưng nguồn cung lại gặp một số vấn đề. Nguyên nhân do nhiều dự án phải dừng triển khai để thanh kiểm tra, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi địa phương có khoảng 20 - 30 dự án bị tạm dừng, riêng tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội con số có thể lên đến hàng trăm.
Phân tích rõ hơn về việc thiếu hụt nguồn cung, Chủ tịch tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết chỉ rõ vấn đề nằm ở quy trình, thủ tục quản lý. Theo quy định hiện hành, khi thực hiện dự án bất động sản tại đô thị, chủ đầu tư phải mất ít nhất 3 - 4 năm mới đưa được sản phẩm lưu thông vào thị trường. Nhưng khoảng thời gian này là quá dài đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Nó chỉ phù hợp những đơn vị có năng lực tài chính tốt, lợi thế về dòng tiền và hệ thống đầu tư bài bản.
Nhận định về tương lai, ông Quyết cho rằng, số lượng dự án mở bán mở từ nay tới cuối năm sẽ rất nhỏ. Đến hết tháng 7/2020, tại Hà Nội có 31 dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Con số này tại TP.HCM chỉ vỏn vẹn là 10. Mặt khác, theo thống kê quý II của Bộ Xây dựng, lượng cung căn hộ tại Hà Nội đã giảm 21,3% so với quý I. Còn tại TP HCM, mức giảm lên đến 40% so với quý trước và 5,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tham gia hội thảo với tư cách là nhà phân phối, Chủ tịch Think Big Group - ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, giao dịch bất động sản thứ cấp đang diễn ra rất sôi động. Dù biết được xu hướng của nhà đầu tư là những dự án có cơ sở pháp lý vững chắc nhưng chúng tôi cũng như nhiều nhà phân phối khác không tìm được sản phẩm để bán. "Cuộc khủng hoảng hiện nay là sự thiếu nguồn cung khi không có sản phẩm tốt để phân phối cho thị trường”, ông Hà nói.
Trong một báo cáo gần đây của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, thực trạng khan hiếm nguồn cung sẽ khiến giá bất động sản dân cư khu vực TP.HCM sẽ tăng 7 – 10%, Hà Nội sẽ tăng 2 – 3% trong năm 2020. Sang năm 2021, giá tăng tiếp ở hai địa phương lần lượt là 5 – 7% và 1 – 2%.
Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý II, giá căn hộ chung cư tại TP HCM tăng 0,25% so với quý I, giá nhà riêng lẻ tăng 0,15%. Ở Hà Nội, các mức tăng lần lượt là 0,16% và 0,01%.
(Tổng hợp bởi odt.vn)