Trong bối cảnh nguồn vốn tại các ngân hàng đang khá dồi dào, lãi suất huy động giảm thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây đã khiến cho một lượng lớn nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo vấn đề nợ xấu có thể quay lại nếu không kiểm soát tốt.
Dư nợ tín dụng tăng trở lại
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất xuống mức thấp đã là liều thuốc kích thích cho thị trường bất động sản vốn đăng gặp nhiều thách thức từ trước khi xảy ra đại dịch Covid – 19. Trong thời gian gần đây, mức lãi suất cho vay mua bất động sản đã giảm từ 0,5 – 1,5% tùy ngân hàng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân “cởi mở” hơn đối với việc vay vốn đầu tư vào bất động sản.
Đơn cử như trường hợp anh Trung, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết mới đây vừa hoàn tất thủ tục vay vốn ngân hàng để mua căn hộ chung cư. Theo anh Trung, lãi suất cho vay mua nhà đang khá mềm, cộng với các ưu đãi hấp dẫn từ chủ đầu tư dự án, dồn toàn bộ số tiền tích góp trong nhiều năm anh đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng để mua căn hộ đầu tiên của mình tại TP.HCM. Với công việc và nguồn thu nhập ổn định so với mặt bằng chung, lại là ngành nghề không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho nên anh tự tin mình sẽ đủ sức chi trả đối với khoản vay 40% giá trị căn hộ này.
Thị trường ghi nhận những trường hợp như anh Trung không phải là hiếm, bởi nhu cầu vay vốn mua nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn còn tương đối lớn. Rào cản lớn nhất trong thời gian vừa qua là nguồn cung căn hộ khan hiếm đã đẩy giá bất động sản lên cao, vượt quá khả năng chi trả của lượng lớn người có nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên, đối với một số người cho biết họ vẫn sẵn sàng vay mượn từ người thân, họ hàng cho tới ngân hàng để có thể sở hữu một chỗ ở ổn định thay vì phải đi thuê như hiện nay.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng nhà nước cho thấy các dấu hiệu tăng trở lại của dư nợ tín dụng vào bất động sản, đáng chú ý là hiện tại đã cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Cụ thể, dư nợ bất động sản hiện đang chiếm hơn 19% dư nợ toàn bộ nền kinh tế, ước đạt 1,6 triệu tỷ đồng. Riêng tại địa bàn TP.HCM, dư nợ bất động sản đã chạm mốc 300 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2020.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh hiện nay, toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi tác động xấu từ đại dịch Covid – 19 đã khiến nhu cầu tín dụng luôn ở mức thấp. Việc đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng không phải là việc dễ, chính vì vậy nguồn vốn đổ vào bất động sản có thể sẽ là động lực chính giúp cho các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phục hồi trở lại. Tuy nhiên chúng ta đã có những bài học lớn từ việc đẩy mạnh tín dụng bất động sản và gây ra hệ lụy nặng nề lên nền kinh tế như giai đoạn 2011 – 2012. Bóng ma về nợ xấu và bong bóng bất động sản khiến cho việc kiểm soát tốt nguồn vốn chảy vào bất động sản được đặt lên hàng đầu.
Để kiểm soát được vấn đề này, trách nhiệm của các nhà băng là rất lớn. Nguồn vốn chảy vào bất động sản nên được ưu tiên cho những nhu cầu thật, đó là những người có nhu cầu mua nhà để ở, tránh đẩy quá nhiều tiền cho các mảng đầu tư bất động sản hay các chủ dự án, khi đó rủi ro có thể sẽ được hạn chế ở mức thấp.
Nhìn chung, những tín hiệu tích cực của dòng tiền đang là chỉ báo cho sự phục hồi của ngành bất động sản ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên để đảm bảo một thị trường có thể phát triển bền vững và ổn định, các chuyên gia cho rằng cần phải dựa vào sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế. Một khi kinh tế vĩ mô hồi phục tốt sẽ kéo theo nhu cầu và sự phục hồi ở tất cả các ngành nghề chứ không chỉ riêng thị trường bất động sản.