Với mục tiêu trở thành một nước phát triển vào năm 2045, nhiều thách thức đang đặt ra cho cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Để hoàn thành các mục tiêu đó, cần phải có những giải pháp giúp cho thị trường bất động sản tại nước ta phát triển một cách minh bạch và ổn định, làm nền tảng vững chắc cho các ngành kinh tế khác.

Các thách thức của thị trường bất động sản Việt Nam tầm nhìn tới năm 2030

Tiềm năng lớn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tại cuộc hội thảo được tổ chức giữa Ủy ban kinh tế Trung ương và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa diễn ra gần đây, nhiều vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam đã được đưa ra bàn luận. Các ý kiến đóng góp của các bên tại cuộc hội thảo sẽ được xem xét nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nhằm chuẩn bị cho Đề án Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn từ nay cho tới 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, các bên đều đồng tình cho rằng thị trường bất động sản là một trong những ngành quan trọng của kinh tế Việt Nam, đóng góp rất lớn vào tiến trình phát triển của toàn xã hội. Mặc dù vậy, trong sự phát triển như vũ bão của thị trường vẫn còn những vấn đề bất cập tồn tại, những rủi ro có thể gây mất ổn định cho hệ thống, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành nghề khác có liên quan.

Chính vì vậy, một trong những thách thức được đặt ra là làm sao để hạn chế các bất cập của thị trường, bên cạnh đó tích cực triển khai tháo gỡ và có những biện pháp nhằm giúp cho  thị trường phát triển một cách minh bạch, ổn định hơn.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết trong giai đoạn sắp tới thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng dựa vào các yếu tố như hệ thống chính trị ổn định, dân số tăng nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và người trẻ, tốc độ đô thị hóa cao... Các số liệu thống kê đã chỉ ra tính đến năm 2030, nước ta sẽ có số dân tại đô thị tăng khoảng 45%, tương ứng với đó là cần phải có thêm 70 triệu mét vuông đất đô thị để đáp ứng nhu cầu an sinh của người dân.

Một trong những thách thức đó chính là vấn đề mất cân bằng trong cung và cầu của thị trường bất động sản. Giá nhà ở các khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao đang rất cao so với khả năng chi trả của đa số người dân. Nguồn cung các sản phẩm bất động sản trung và cao cấp đang ngày càng nhiều, trong khi đó các sản phẩm giá vừa phải đáp ứng nhu cầu của phần đông người lao động lại hầu như vắng bóng trên thị trường. Để khắc phục được điều này theo Bộ Xây dựng cần phải có các giải pháp tổng thể và đồng bộ về quy hoạch, về phát triển kinh tế và cả các điều chỉnh trong chính sách, điều chỉnh bổ sung một số điều trong các bộ luật có liên quan tới thị trường bất động sản.

Nhiều chuyên gia tại buổi hội thảo cho rằng cơ hội để ngành bất động sản vươn mình trong thập niên tới là rất lớn. Tuy nhiên cần có sự vào cuộc của cả Chính phủ lẫn các cơ quan quản lý để tháo gỡ các nút thắt của thị trường đã tồn tại từ rất lâu. Trong xu thế phát triển rất có thể sẽ xuất hiện các loại hình bất động sản mới, khi đó cần vận dụng và điều chỉnh một cách linh hoạt để thị trường được minh bạch hơn, điều này cũng góp phần giúp hạn chế tình trạng đẩy giá các sản phẩm bất động sản.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng thị trương bất động sản thường liên quan chặt chẽ tới các thị trường quan trọng khác như thị trường xây dựng, thị trường ngân hàng và cả thị trường lao động. Do đó đây được coi là ngành đặc thù, cần giữ được sự ổn định cao, vì vậy các ý kiến đóng góp sẽ được nghiên cứu đưa vào Đề án Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn 2045.