Nhiều chuyên gia dự báo, trong năm 2020, phân khúc nhà giá rẻ sẽ bước vào giai đoạn “thăng hoa” và trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những nhà đầu tư sành sỏi.
Cầu nhiều – Cung thiếu
Theo thống kê, tại TP.HCM, số lượng người có thu nhập thấp chiếm khoảng 50% dân số trên địa bàn. Trong khi đó, mỗi năm thành phố có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới và có khoảng 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng từ các tỉnh thành khác đổ về. Tỷ lệ lớn trong số đó có nhu cầu thuê nhà riêng, thuê căn hộ chung cư, mua nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đặc biệt, những căn hội dưới 1 tỷ đồng và có từ 1 – 2 phòng ngủ được ưu tiên hơn cả.
Trên thực tế, thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở ở phân khúc này. Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người thu nhập thấp tại các khu đô thị trên cả nước, Bộ Xây dựng cho biết, đến năm 2020, cả nước cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Cụ thể, Cục Phó Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) – ông Nguyễn Mạnh Khởi chia sẻ: "Tuy các địa phương có quan tâm nhưng nhà ở xã hội đưa vào thị trường vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Đó là đối với nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, còn nhà ở giá rẻ, nói đúng hơn là nhà ở giá thấp, khoảng 25 triệu đồng/m2 trở xuống cũng đang thiếu trong khi nhu cầu rất lớn”.
Khơi thông nguồn cung
Được biết, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt chi 1.262 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất ưu đãi giai đoạn 2018 – 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được giao 500 tỷ đồng, trong khi 4 ngân hàng thương mại cho Ngân hàng nhà nước chỉ định vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù cho vay.
Chính việc không thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi kể trên mà nhiều dự án nhà ở xã hội chưa thể triển khai thực hiện trong khi nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở xã hội cũng phải tạm dừng cũng khiến cho nguồn cung sản phẩm năm 2019 bị khan hiếm. Tuy nhiên, một tín hiệu mừng là những dự án này đang các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý để năm 2020 có sản phẩm bán ra.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết: “Cơ quan chúng tôi cũng đang tiếp nhận rất nhiều dự án nộp đơn xin điều chỉnh cơ cấu, thậm chí điều chỉnh từ condotel sang nhà ở, với số lượng có thể lên tới vài ngàn căn. Nếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này, tôi tin là sản phẩm ra đến đâu sẽ bán hết hàng đến đó”.
Giám đốc điều hành Indochina Capital – ông Michael Paul Piro đánh giá, những năm qua, thị trường nhà ở tại Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, mức giá thấp và mang tính cạnh tranh nhiều với các thị trường trong khu vực.
Cụ thể, Hong Kong là thị trường có mức giá bán căn hộ cao nhất - 45.500 USD/m2, đứng thứ 2 là Singapore - 25.600 USD/m2, chiếm lĩnh vị trí thứ 3 và thứ tư lần lượt là Tokyo – 11.800 USD/m2 và Bangkok – 4.500 USD/m2. Còn tại TP.HCM, mức giá căn hộ là 3.800 USD/m2 và Hà Nội khiêm tốn hơn - ở mức 3.200 USD/m2.
Điều đó có nghĩa rằng dư địa để phát triển của thị trường nhà ở Việt Nam còn rất lớn. Đây cũng chính là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài nếu họ biết lựa chọn đúng địa điểm, đúng dự án và trên hết là mức giá hấp dẫn.
Tóm lại, phân khúc nhà ở giá rẻ đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá trong tương lai khi mà nhu cầu của thị trường lớn và dư địa tăng trưởng nhiều
(Nguồn Tổng hợp)