Nền kinh tế Việt Nam đứng trước tình cảnh vô cùng khó khăn. Những doanh nghiệp lớn và nhỏ đang ở trên bờ vực phá sản đã thúc đẩy Nhà nước, các cơ quan cầm quyền hay chính tự bản thân doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.

Dự báo những “ngã rẽ” cho thị trường bất động sản

Thực trạng u ám

Trong báo cáo hoạt động của Bộ Xây dựng gửi đến Quốc hội và các vị đại biểu đã thể hiện sự suy thoái của thị trường bất động sản (BĐS). Số liệu cho thấy, giai đoạn tăng trưởng 2014-2018 đã qua đi và 3 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự suy giảm đầu tiên cho quá trình này. Cụ thể số lượng giao dịch đã giảm đến hơn 40% và nguồn cung cho BĐS đã giảm 10% so với năm 2018.

Mặt khác, theo số liệu thống kê của Phòng Đăng ký kinh doanh TP. Đà Nẵng, số doanh nghiệp được thành lập ở tất cả các ngành trong quý I/2020 chỉ đạt 972 (giảm 20% với cùng kỳ). Đặc biệt phải chú ý đến doanh nghiệp kinh doanh BĐS với mức giảm kỷ lục từ 83 giảm xuống còn 32 (tương đương 61,46%).

Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cũng đưa ra nghiên cứu của mình: Đã có đến 94% doanh nghiệp BĐS trên khắp cả nước phải dừng hoạt động và đây cũng chính là ngành chiếm tỉ lệ cao nhất.

Ánh sáng phía cuối con đường

Ba giai đoạn đóng băng trước đây của thị trường đều xuất phát từ yếu tố con người như: Chính sách đất đai thắt chặt, buộc các giao dịch vào khuôn khổ; bong bóng tài chính nổ làm suy thoái kinh tế thế giới; nguồn vốn tín dụng được đầu tư quá mức. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại ảnh hưởng dịch bệnh Covid nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.

Theo nhận định của các chuyên gia, rất khó để xác định chính xác thời gian phục hồi của thị trường BĐS. Nếu như chu kỳ “tan băng” của trước đây là 4-5 năm thì giờ đây sẽ mất khoảng 2 năm để mọi thứ trở lại guồng quay vốn có của nó. Các nhà nghiên cứu đã vạch ra 2 ngã rẽ cho thị trường BĐS trong thời gian tới.

Ngã rẽ thứ nhất: Các giao dịch chuyển quyền, chuyển nhượng BĐS của các công ty sẽ được hồi phục và đi dần vào quỹ đạo nếu dịch bệnh được kiểm soát vào quý II/2020. Đây được coi là ngã rẽ dẫn tới ánh sáng, các doanh nghiệp sẽ còn 6 tháng cuối năm để bù đắp lại phần lỗ và đạt mục tiêu kinh doanh đề ra.

Ngã rẽ thứ hai: Đây là ngã rẽ mà bất kỳ một ai đều không mong muốn hướng tới. Nếu dịch bệnh được khống chế vào cuối năm 2020, 1 năm là khoảng thời gian quá dài để doanh nghiệp không riêng gì BĐS có thể duy trì hoạt động. Gần như mọi dịch vụ của công ty (môi giới, buôn bán, đầu tư…) sẽ hoàn toàn “bất hoạt” trên thị trường. Nguồn thu gần như bằng không, không thể bù được cho chí phí sẽ khiến họ phá sản trước khi thị trường hồi phục.

(Tổng hợp bởi odt.vn)