Theo nhiều chuyên gia, để đón đầu làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng, bất động sản công nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi. Thay vì chỉ làm nhà, xây kho vận, các doanh nghiệp cần phát triển theo mô hình tập trung. Từ đó, các đô thị công nghiệp sẽ được hình thành với chất lượng và tính kết nối cao.

Bất động sản công nghiệp: Thay đổi để tồn tại

Làn sóng chuyển dịch

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Thành Thống nhận định, dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia rơi vào suy thoái vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy; nhà máy, phân xưởng phải đóng cửa; nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản vì doanh thu giảm sút. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải chuyển dịch chuỗi cung ứng sang nơi khác.

Lúc này, Việt Nam nổi lên như một điểm đến sáng giá cho các nhà đầu tư khi là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kiểm soát tốt sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng.

Theo ông Thống, dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố khác như: Nền chính trị ổn định; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài ngày một thông thoáng; thủ tục hành chính từng bước được cải thiện; nguồn nhân lực dồi dào; chi phí cạnh tranh; vị trí địa lý thuận lợi; nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng…

Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thay đổi để tồn tại

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TBS Group, để đón được làn sóng nói trên, bất động sản công nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi để đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác quốc tế. Chính xác là hơn bản thân các doanh nghiệp phải khắc phục được những vấn đề sau:

Thứ nhất, thiếu mô hình khu công nghiệp. Ông Kiệt cho rằng, hình thức cho thuê hiện tại chủ yếu là cho thuê kho xưởng hoặc thuê đất. Trong khi đó, mô hình khu công nghiệp có tính công nghệ, được đồng bộ phát triển với quy mô đô thị lại không có.

Thứ hai, không nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc phát triển khu đô thị công nghiệp có chỗ ở cho công nhân sẽ giúp đảm bảo tính ổn định cho nguồn lao động và duy trì việc sản xuất dài hạn cho ngành. Tuy nhiên, đối với tập đoàn lớn thì đây không phải là vấn đề quá khó khăn nhưng với doanh nghiệp nhỏ sẽ là một bài toán nan giải.

Thứ ba, phải có tính kết nối. Các nhà phát triển BĐS công nghiệp không thể chỉ làm đất, làm nhà, làm xưởng. Khi mở nhà máy, phải có nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào, phải có nơi tiêu thụ. Những yếu tố này đều được nhà đầu tư xem xét kĩ lưỡng, không phải cứ mở ra một khu công nghiệp là họ sẽ đến thuê.

Cuối cùng, phải có phần mềm, ứng dụng được công nghệ cao. Hiện nay, nhiều nước đã và đang sử dụng máy móc và trí tuệ nhân tạo để thay thế phần việc của con người. Những dây chuyền được tự động hóa không chỉ giảm thiểu chi phí mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp cần nắm bắt được nhu cầu này và có hướng đầu tư thích hợp.

(Tổng hợp bởi odt.vn)