Có nền giá khá cao trong vòng vài năm qua, cộng thêm cơn sốt đất hồi đầu năm đã khiến một số khu vực vùng ven các quận, huyện ngoại thành Hà Nội vượt quá khả năng của người có nhu cầu. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, giá và thanh khoản đang có dấu hiệu giảm rõ rệt trong thời gian gần đây.
(Ảnh minh họa)
Nơi hét giá “trên trời”
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển và mở rộng đô thị hóa của Hà Nội đã khiến thay đổi bộ mặt cho không ít khu vực ngoại thành Hà Nội. Các hộ dân trước đây bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước đền bù bằng đất dịch vụ, thường nằm ở những vị trí có lợi thế kinh doanh và giao thông thuận tiện. Cũng chính vì vậy mà những lô đất dịch vụ này luôn bị đẩy giá lên cao mỗi khi xảy ra sốt đất, đặc biệt trong thời gian đầu năm nay.
Khảo sát thực tế trên thị trường hiện tại cho thấy mặt bằng giá tại một số khu vực bị hét giá khá cao, trong khi nhu cầu sử dụng rất ít. Đơn cử như tại Đồng Mai (Hà Đông), đất dịch vụ tại đây thời điểm trước Tết Nguyên Đán chỉ từ 18 – 22 triệu/m2 thì giờ đây bị đẩy lên mức 30 – 35 triệu/m2.
Hay tại An Khánh (Hoài Đức), những lô đất dịch vụ tại các xã An Thường, An Thọ, Vân Lũng, Yên Lũng cũng đều đồng loạt “nhảy múa” với mức giá từ 30 – 55 triệu đồng/m2. Tại khu vực Dương Nội thuộc quận Hà Đông, nhờ sự có mặt của đại siêu thị AEON Mall đã khiến cho giá đất tăng vọt lên mức từ 150 – 180 triệu đồng/m2, các khu vực xung quanh đó như Mậu Lương, Kiến Hưng cũng “hùa theo” tăng giá chóng mặt.
Đông Anh, nơi từng diễn ra các cơn sốt tái đi tái lại nhiều năm gần đây cũng ghi nhận hiện tượng tăng giá “ảo”. Các lô đất luôn được hét giá rất cao so với cách đây 1 năm, tuy nhiên theo các công chứng viên thì lượng giao dịch thật gần như rất ít. Hầu hết chỉ là chiêu trò của môi giới nhằm tạo giá ảo cho những mảnh đất trong khu vực của họ hoạt động. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các khu vực thuộc huyện Hoài Đức, nơi cũng được đồn sẽ lên Quận vào năm 2025 cùng với Đông Anh. Đất dịch vụ và nhà liền kề tại các khu vực này còn rất nhiều và bỏ hoang, nhiều căn biệt thự, liền kề cỏ hoang mọc quá đầu người, gần như nằm im suốt hàng chục năm qua nhưng vẫn có giá lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nơi "lao dốc" không phanh
Mặc dù vậy, đợt dịch Covid – 19 lần này xảy ra đúng vào thời điểm thị trường vừa trải qua một cơn sốt khá nóng đã khiến cho mức giá tại một số nơi lao dốc không phanh. Mức giá giảm phổ biến từ 10 – 20% so với hồi đầu năm, tại một số nơi gần như không có giao dịch thì chủ nhà chấp nhận thương lượng thêm từ 5 – 10% với những khách hàng thật sự có thiện chí. Hiện tại theo ghi nhận mặc dù có sự giảm giá nhưng lượng người có nhu cầu và quan tâm tới đất dịch vụ, nhà liền kề tại các khu vực này tương đối ít. Tính thanh khoản trên thị trường tại thời điểm này gần như không có.
Theo một chuyên gia bất động sản khu vực vùng ven Hà Nội cho biết, đất dịch vụ tại các khu vực này mặc dù có lợi thế về vị trí và hạ tầng, tuy nhiên các tiện ích xung quanh còn rất khiêm tốn, chưa hình thành cộng đồng dân cư vì vậy có cảm giác khá vắng vẻ. Ông cũng đánh giá với mức giá bị đẩy lên cao trong một thời gian dài chính là yếu tố trở ngại đối với sức hút của loại hình này, bởi giá cao sẽ khó có thể thu hút người có nhu cầu thực mua để về ở, từ đó khiến cho việc hình thành cộng đồng dân cư càng trở nên khó khăn hơn. Trong thời gian sắp tới cũng không ngoại trừ khả năng sẽ còn giảm giá nếu tình trạng trầm lắng như hiện tại vẫn còn tiếp diễn.