Các dự án và căn hộ phục vụ người nước ngoài tại Việt Nam ngày một nhiều nhưng số lượng mua nhà chiếm chưa đến 1% và chỉ một phần nhỏ được cấp giấy chứng nhận.

Điều gì ngăn cản người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Số lượng mua nhà chiếm 0,85% 

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong giai đoạn 2015 – 2020, 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn trên cả nước bán thành công 12.335 căn hộ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hiệp hội giả định, nếu các tập đoàn nói trên chiếm khoảng 80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài thì ước tính số lượng căn nhà đã mua trong 5 năm qua là 14.800 - 16.000 căn.

Tham chiếu số liệu thị trường bất động sản thời kỳ 2009 – 2019 của Bộ Xây dựng thì có 5.000 dự án nhà ở và 3.774.000 căn nhà. Trung bình mỗi 5 năm phát triển được khoảng 1.885.000 căn. Như vậy, so với số lượng 16.000 căn mà người nước ngoài có thể đã mua, thì chỉ chiếm tỷ lệ 0,85% tổng số nhà ở.

Đại diện HoREA cho biết, tuy đã bán hàng chục nghìn căn hộ nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có UBND Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (sổ hồng) cho người nước ngoài mua nhà trên địa bàn thành phố. Số lượng sổ được cấp cũng rất hạn chế (35 cho cá nhân và 6 cho tổ chức).

Tồn tại nhiều vướng mắc

Theo báo cáo Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội về công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai, nhà ở thì việc cấp phép và quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại nước ta còn nhiều vướng mắc.

Cụ thể, Luật Nhà ở 2014 quy định, người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được phép mua và sở hữu 1 căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại (trừ khu vực đảm bảo an ninh, quốc phòng). Thời hạn sở hữu tối đa là 50 năm tính từ thời điểm cấp sổ hồng. Đồng thời, theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp quyền sử dụng đất.

Nhưng theo Khoản 1, Điều 19, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 thì “Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”. Tức là khi giao dịch tài sản gắn liền với đất phải đồng thời thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Lúc này, người nước ngoài sẽ được cấp sổ đỏ (cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở).

Một bất cập nữa mà luật sư Trần Đức Phượng (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) đề cập đến là: Theo Khoản 2, Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ mua, thuê mua dự án nhà ở thông qua 3 hình thức giao dịch xác lập quyền sở hữu. Đó là, mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư thông qua hợp đồng mua bán, mua nhà từ cá nhân, tổ chức nước ngoài đã có giấy chứng nhận, nhận thừa kế, tặng, cho của hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức nhưng phải theo quy định của từng địa phương.

Cũng vì câu chữ và cách dùng từ của Luật Nhà ở mà mọi người hiểu rằng người nước ngoài chỉ được phép mua nhà từ chủ đầu tư hay nhà ở đã cấp giấy chứng nhận, chứ không phải là đối tượng nhận chuyển quyền trong hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Hiện nay, các chủ đầu tư thường lách vướng mắc này bằng việc hủy hợp đồng mua bán và hóa đơn giá trị gia tăng rồi ký hợp đồng mua bán mới với người nước ngoài.

(Tổng hợp bởi odt.vn)