Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều thay đổi so với Luật Đất đai 2013, trong đó có quy định về việc rút ngắn tên gọi của "Sổ hồng". Cùng bất động sản ODT tìm hiểu quy định này qua bài viết dưới đây. 

Điều chỉnh tên gọi của "Sổ hồng", người dân có phải đi đổi sổ?

Điều chỉnh tên gọi của "Sổ đỏ" và "Sổ hồng"

"Sổ đỏ" hay "sổ hồng" là tên gọi tắt của "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất". Theo quy định được ban hành bởi Luật Đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp theo một mẫu thống nhất.

Mới đây, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 18/1/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, trong Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm sửa đổi so với Luật Đất đai 2013, trong đó có việc điều chỉnh tên gọi của "sổ đỏ". 

Cụ thể, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tức "sổ đỏ" hay "sổ hồng" sẽ được điều chỉnh thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 

Luật Đất đai 2024 cũng định nghĩa "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 

Tài sản gắn liền với đất được cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. 

Do đó, dù được điều chỉnh tên theo Luật Đất đai 2024, nhưng giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có giá trị về mặt pháp lý tương đương với giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.  Như vậy, theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào năm 2025, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vẫn được xem là sổ đỏ hay sổ hồng. Điểm khác biệt ở chỗ nhà làm luật không gộp chung quyền sở hữu nhà ở và tên gọi của giấy chứng nhận vì nhà ở được xem như đã gộp chung vào nhóm "tài sản gắn liền với đất". 

Do đó, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, sổ đỏ hay sổ hồng được điều chỉnh tên gọi thì người được cấp sổ cũng không bắt buộc phải làm thủ tục cấp đổi, trừ trường hợp có nhu cầu. 

Thay đổi về điều kiện để được cấp sổ hồng 

Ngoài quy định điều chỉnh tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Luật Đất đai 2024 cũng quy định việc cấp sổ hồng trong nhiều trường hợp hơn so với quy định hiện nay tại Luật Đất đai 2013. 

Cụ thể, các điều kiện để được cấp sổ hồng, theo Luật Đất đai 2024 gồm: 

Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014, đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền. 

Tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng đất. 

Cấp sổ cho đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án sản xuất, kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau, đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. 

Cấp sổ đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu, thửa đất thuộc phạm vi nhiều đơn vị hành chính cấp xã. 

Cấp số đối với tài sản là nhà ở, tài sản là công trình xây dựng không phải là nhà ở,...