Các chính sách quản lý được cơ quan chức năng ban hành trong năm 2019 đã gây ra những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, đặc biệt khiến cho thị trường kém sôi động hơn so với những năm trước đó.

Tuy nhiên, động thái này lại mang đến điều tích cực là giúp cho thị trường minh bạch hơn, ổn định hơn và phát triển bền vững hơn. Hãy cùng odt.vn điểm lại 5 chính sách quản lý nổi bật được ban hành năm 2019.

Điểm lại 5 chính sách quản lý nổi bật được ban hành năm 2019

1. Tổng thanh tra hàng loạt dự án

Trong năm 2019, hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ trên toàn quốc đã bị tiến hành thanh tra, đặc biệt là tại các thành phố lớn và các thành phố đang có tốc độ phát triển nhanh.

Qua đó, ghi nhận không ít dự án vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, chưa đủ điều kiện pháp lý… Đơn cử, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.HCM phải cung cấp hồ sơ của hơn 100 dự án trên địa bàn như: các khu đất vàng ở Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, hay ở khu đô thị Thủ Thiêm…

Động thái này là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn cung nhà ở trên toàn quốc bị sụt giảm. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều nhận định đây là việc làm đúng đắn, giúp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững bằng cách sàng lọc và loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém.

2. Tín dụng bất động sản bị siết chặt

Từ ngày 1/1/2019, Ngân hàng Nhà Nước đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 40% (giảm 5% so với năm 2018), hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 200%. Theo lộ trình, đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn sẽ giảm xuống còn 30%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng siết chặt điều kiện cho vay.

Chính sách này đã khiến cho các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vốn mới khi mà dòng vốn dành cho bất động sản đã không còn dồi dào như trước. Trong khi đó, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn phương án phát hành trái phiếu để đảm bảo dự án.

Ước tính, đến hết tháng 12/2019, số lượng trái phiếu được các doanh nghiệp phát hành là 61.000 tỷ đồng, trong đó ngành bất động sản, hạ tầng, xây dựng chiếm khoảng 27%.

Các chuyên gia nhận định, việc siết chặt tín dụng bất động sản mặc dù làm chậm nhịp phát triển của thị trường nhưng cũng mở ra cơ hội để thị trường có thể tái cơ cấu, hướng đến tương lai phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

3. Ban hành văn bản chấn chỉnh thị trường bất động sản

Trong năm 2019, phân khúc đất nền vẫn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của khách hàng và giới đầu tư. Lợi dụng xu thế của thị trường mà không ít các doanh nghiệp “đẻ” ra hàng loạt dự án “ma” làm nhiễu loạn thị trường.

Các dự án “ma” thường xuất hiện tại các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng… Trước thực trạng trên, chính quyền tại các địa phương đã phải ban hành văn bản khẩn để chấn chỉnh các hoạt động phân lô, bán đất nền và kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Đơn cử, ngày 19/4/2019, UBND TP.Đà Nẵng ký công văn yêu ầu Sở Xây dựng rà soát, chấn chỉnh việc một số cò đất bịa đặt thông tin, sử dụng chiều trò để tạo cơn sốt đất “ảo” nhằm trục lợi bất chính.

Hay như ngày 13/8/2019, UBND tỉnh KHánh Hòa đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng chấn chỉnh và kiểm soát một số tổ chức, cá nhân tự ý, phân lô, bán nền, đặt tên và đưa thông tin về những dự án không có thật.

Trước đó, vào ngày 13/6/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

4. Điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất

Cuối năm 2019, Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh khung giá đất mới, cao hơn 20% so với mức cũ. Theo đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng ban hành bảng giá đất mới, có nơi mức tăng lên đến 70%.

Các chuyên gia nhận định, hệ lụy của việc này là khiến cho giá nhà đất trên thị trường sẽ tăng cao, đặc biệt tại các dự án sơ cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội sở hữu nhà của những người có thu nhập thấp và trung bình tại các thành phố lớn hay tại khu vực đô thị sẽ bị thu hẹp. Kéo theo đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh  nghiệp và môi trường đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Năm 2020, thị trường sẽ khắc nghiệt hơn và các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.”

5. Siết chặt tình trạng bán nhà cho người nước ngoài

Pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép người Việt Nam đứng tên mua bất động sản thay người nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn diễn ra tại nhiều nơi như: Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Quảng Ninh, Tây Nguyên…

Để tình trạng trên không tiếp tục tái diễn, Văn phòng Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82 yêu cầu Chính phủ rà soát, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp người Việt Nam thay người nước ngoài đứng tên trong các hoạt động giao dịch như: mua bán nhà đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thuê đất trái phép.

(Nguồn Tổng hợp)