Để tránh trường hợp trục lợi và sử dụng sai mục đích khoản phí 2% bảo trì nhà chung cư, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố, Bộ Xây dựng với đề xuất bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu số tiền này.

Đề xuất thay đổi cơ chế thu phí bảo trì chung cư

Bàn giao cho ban quản trị tòa nhà

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng và vận hành nhà chung cư, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, hiện nay có nhiều chủ đầu tư dự án xây dựng trái phép, không phép, tự ý chuyển đổi công năng, cho cư dân vào ở khi chưa nghiệm thu… Đáng chú ý, trong tổng số 1.401 chung cư hiện hữu, chỉ có 194 chung cư thực hiện bàn giao khoản phí 2% bảo trì phần sở hữu chung.

Theo Sở Xây dựng, các dự án chung cư được xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở 2005 tại thành phố là rất lớn. Do không có quỹ bảo trì phần sở hữu chung nên không có kinh phí bảo trì, sửa chữa các hạng mục công trình hư hỏng; xây dựng nhà sinh hoạt, nhà để xe; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ; nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước xuống cấp…

Đối với chung cư thuộc sở hữu Nhà nước, kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, cần được nghiên cứu. Nhiều khu chung cư còn không được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo tiêu chuẩn hiện hành vì được xây dựng trước khi Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng chung cư chưa thật sự thể hiện chi tiết chế tài, biện pháp đối với nhiều hành vi sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành.

Dựa trên những cơ sở đó, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Nhà ở 2014 theo hướng cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho ban quản trị. Về giải pháp lâu dài, đề xuất bãi bỏ quy định giao chủ đầu tư thu khoản phí này. Thay vào đó, ban quản trị chung cư sẽ thu của các cư dân trong quá trình sử dụng. Số tiền thu sẽ dựa trên tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định. Phân định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các đối tượng tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Theo nhiệm vụ và chức năng được phân công, Sở Xây dựng sẽ tăng cường, kiểm tra, rà soát dứt điểm những khiếu kiện, tranh chấp về vấn đề chiếm dụng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, kinh phí bảo trì phần sử dụng chung; xác định chính xác phần sở hữu chung – riêng; đánh giá, nghiệm thu chất lượng công trình; tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định

Trước đó, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất: Chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải mở một tài khoản tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn, để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định. Nhà nước không tính thuế đối với khoản kinh phí này.