Sau vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng sáng ngày 24/5, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề xuất cấm nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cho thuê trọ đông người. 

ĐBQH đề xuất cấm nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ sau vụ cháy nhà ở Trung Kính,

Cần có giải pháp mạnh tay 

Vào sáng ngày 24/5, tại Trung Kính, Hà Nội, đã xảy ra vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết và 1 người đang trong tình trạng nguy kịch. 

Chia sẻ về thông tin sự việc, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho biết, nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ. Hơn nữa, nếu xảy ra cháy tại các nhà ở kết hợp kinh doanh, khu trọ cho người lao động, học sinh, sinh viên thuê thì sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn về người và của. 

Ông An cũng cho biết, đối với những khu nhà trong ngõ tại các khu vực đặc thù như Trung Kính (quận Cầu Giấy) hay Khương Hạ (quận Thanh Xuân) nếu xảy ra cháy nổ, sẽ gây khó khăn cho công tác chữa cháy do điều kiện cơ sở hạ tầng đặc thù. 

Từ vụ cháy ở Trung Kính, Đại biểu Quốc hội cho biết cần phải có quy định trong luật về việc cấm nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ đông người, ngoài ra, phải rà soát các quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh. 

Bên cạnh đó, để giúp người dân không còn phải thuê nhà trong ngõ, ngách nhỏ, ông An cho rằng cần phải đầu tư thêm vào nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê với người thu nhập thấp. 

Đối với khâu phòng ngừa, cần nâng cao ý thức của người dân trước tác động của nguy cơ cháy nổ. 

Rà soát chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả cơ sở, nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ tại các khu vực tập trung đông người lao động, công nhân ở Hà Nội, TP.HCM hay ở những thành phố lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh... Tất cả các khu nhà trọ, nhà ở cần trang bị đầy đủ bình cứu hoả, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm để phòng những trường hợp xảy ra sự cố. 

Phải đồng bộ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc để không xảy ra những vụ việc cháy nổ thảm khốc. 

Cần có quy định đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh 

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cần phải có phương án, giải pháp phòng cháy, biện pháp ngăn cháy cụ thể, rõ ràng. 

Ông An cũng đề xuất việc cấm nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, phòng trọ đông người. Ông An cho biết: "Biện pháp này có thể hơi gắt, nhưng hữu hiệu. Chúng ta không thể đem những nguy cơ, rủi ro đó vào tính mạng mấy chục con người bởi khi cháy trong diện tích như vậy cùng hạ tầng ngõ hẹp, đường nhỏ, người ở trong rất khó có cơ hội để thoát". Biện pháp này nhằm dập tắt rủi ro chết người. 

Ngoài ra, cần rà soát và có quy định khắt khe đối với việc kinh doanh mặt hàng dễ cháy tại các khu đông dân. 

Lấy trường hợp vụ cháy nhà ở Trung Kính, tại tầng 1 của ngôi nhà là cửa hàng sửa chữa xe. 

Do đó, để phòng trường hợp chập cháy, những ngôi nhà ở đông người ở như thế này cần phải cấm kinh doanh trong nhà. 

Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh như shophouse, nhà mặt phố thì cần có phương án phòng cháy chữa cháy như bố trí vách ngăn giữa các tầng và hệ thống chữa cháy tại khu vực kinh doanh. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, hiện nay chung cư mini, nhà trọ mọc lên rất nhiều. Nếu xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ không đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì không được cho thuê trọ sẽ dẫn đến 2 hệ luỵ. 

Một là, tác động đến chủ đầu tư đang có phương tiện kinh doanh. Hai là, ảnh hưởng đến những người lao động có thu nhập thấp do không có nơi ở. 

Đối với giải pháp, bà Nga cho rằng, cần phải kiểm tra kết cấu và yêu cầu có ít nhất một lối thoát hiểm tại các nhà trọ cho thuê chật hẹp, nhiều tầng, đông người ở và ở trong ngõ sâu. 

Đồng thời, nâng cao công tác tập huấn về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng ứng phó khi có sự cố xảy ra. 

Đối với những khu vực dễ xảy ra cháy nổ, nhưng không có lối thoát hiểm thì cần cưỡng chế, yêu cầu loại bỏ vật cản, mái tôn hoặc thiết kế phương án thoát nạn khi có sự cố xảy ra để không ảnh hưởng đến tính mạng người dân.