Ba dự án cầu trọng điểm và hai tuyến đường sắt kết nối TP.HCM và Đồng Nai sẽ góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông và nâng cao giá trị bất động sản khu vực ven sông Đồng Nai và các khu công nghiệp lớn.
Mới đây, trong một buổi làm việc quan trọng vào ngày 25/4, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã đạt được thỏa thuận đầu tư vào ba dự án cầu trọng điểm cùng hai tuyến đường sắt kết nối giữa hai địa phương. Các dự án gồm: Cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái), cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2; trong đó, cấp thiết nhất hiện nay là dự án cầu Cát Lái. Ngoài ra, dự án kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và Bình Dương; dự án tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Long Thành cũng nằm trong kế hoạch đầu tư của hai địa phương.
Cụ thể, dự án cầu Cát Lái sẽ được TP.HCM cân đối, bố trí nguồn ngân sách thành phố triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng phía Tp.HCM và xử lý nắn chỉnh tuyến đường Nguyễn Thị Định đoạn 336m sát bờ sông Đồng Nai để đảm bảo yếu tố kỹ thuật thiết kế cầu dây văng. Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ bố trí vốn giải phóng mặt bằng và các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2025.
Đây là những công trình trọng điểm đã được lên kế hoạch đầu tư. Dự kiến, khi hoàn thành, ba cây cầu này sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và các khu vực trọng điểm của Đồng Nai như Nhơn Trạch và Biên Hòa, chỉ còn 20 - 30 phút.
Ngoài ra, các dự án hạ tầng kết nối TP.HCM và Đồng Nai sẽ giải quyết triệt để tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên tại các tuyến đường huyết mạch, đồng thời mở ra cơ hội kết nối thuận tiện hơn giữa các khu công nghiệp lớn tại Đồng Nai và TP.HCM. Điều này không chỉ giúp các phương tiện vận tải di chuyển nhanh chóng mà còn góp phần nâng cao năng lực kết nối giao thương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế giữa hai địa phương.
Hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy bất động sản phát triển
Dự án cầu Đồng Nai 2 đang được hai địa phương rà soát cập nhật quy hoạch và nghiên cứu, cân đối vốn, lựa chọn hình thức đầu tư để triển khai thực hiện vào năm 2026. Dự án sẽ tăng cường kết nối giữa 2 địa phương, kết nối 2 chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai và các đô thị trên địa bàn thành phố Tp.HCM.
Dự án cầu Phú Mỹ 2 sau khi hoàn thành sẽ hình thành trục kết nối mới giữa 2 Tp.HCM và Đồng Nai, giảm thiểu ùn tắc cho cầu Phú Mỹ.
Dự án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương đang được nghiên cứu, dự kiến khởi công vào đầu nằm 2026. Còn dự án tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Long Thành dự kiến được thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông, mà các dự án kết nối hạ tầng này còn mang lại nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản ven sông Đồng Nai và tạo tiềm năng bất động sản phía Đông TP.HCM. Các khu vực xung quanh các cây cầu và tuyến đường sắt dự kiến sẽ trở thành “điểm nóng” thu hút nhà đầu tư.
Ngoài ra, việc triển khai hai tuyến đường sắt nhẹ dọc theo Quốc lộ 51 và đường ven sông Đồng Nai hiện đang trong giai đoạn khảo sát. Đây cũng là dự án trọng điểm giúp kết nối các khu công nghiệp lớn như Lộc An – Bình Sơn và Nhơn Trạch, từ đó, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển bất động sản tại Đồng Nai và khu vực phía Đông TP.HCM.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, khi những dự án này hoàn thành, giá trị đất đai tại khu vực sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các khu đô thị ven sông Đồng Nai và các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có thể kỳ vọng vào việc gia tăng giá trị thuê bất động sản khi nhu cầu về nhà ở và dịch vụ tại các khu vực này ngày càng cao. Các khu vực xung quanh cầu Cát Lái, Tân Vạn 2 và Bình Khánh 3, cùng với các tuyến đường sắt mới, sẽ trở thành những “điểm đến” lý tưởng cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ bất động sản thương mại và nhà ở.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố về hạ tầng, nhà đầu tư cần lưu ý kỹ về pháp lý, vị trí dự án kết nối với tuyến hạ tầng giao thông trong tương lai để tránh đón đầu hụt, gây rủi ro về dòng tiền đầu tư.