Sáng ngày 18/4, HĐND TP.HCM khoá X đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bước đi này sẽ góp phần thay đổi và tác động đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Đề án sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM được thông qua
Sau khi đề án sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM được HĐND TP.HCM thông qua, TP.HCM (mới) sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau sắp xếp, TP.HCM mới sẽ triển khai mô hình chính quyền hai cấp, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, dân số và thành tựu phát triển kinh tế của ba địa phương, hướng tới trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Sau sáp nhập, TP.HCM sẽ có tổng diện tích hơn 6.772 km², quy mô dân số khoảng 13,7 triệu người với 190 đơn vị hành chính trực thuộc, trở thành siêu đô thị lớn nhất vùng Đông Nam Bộ.
Đây không chỉ là bước ngoặt về mặt hành chính mà còn có thể tạo ra cơn địa chấn thực sự trên thị trường bất động sản khu vực. Theo các chuyên gia quy hoạch, việc sáp nhập Bình Dương – nơi có tốc độ công nghiệp hóa nhanh hàng đầu cả nước, và Bà Rịa - Vũng Tàu – cửa ngõ biển với hệ thống cảng biển chiến lược, sẽ giúp TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế - logistics – công nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, T.S Nguyễn Minh Hoà, chuyên gia đô thị học đã nhận định “Việc phát triển đô thị vệ tinh sẽ giải quyết được những áp lực đô thị trung tâm. Đặc biệt, tạo ra sự đồng đều trong quá trình phát triển giữa các khu vực”. Việc mở rộng địa giới sẽ giúp tái cơ cấu chức năng đô thị và phân bổ dân cư, từ đó giảm tải cho lõi trung tâm.
Tác động đến thị trường bất động sản về ngắn hạn và dài hạn
Ngay khi thông tin đề án được công bố, giới đầu tư bất động sản đã lập tức chuyển hướng quan tâm về các khu vực trọng điểm như thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), TP. Bà Rịa và các địa bàn giáp ranh như Dĩ An, Thuận An, Phú Mỹ…
Việc địa giới hành chính thay đổi, sẽ làm cơ chế chính sách, quy hoạch và hạ tầng giao thông cũng được dịch chuyển theo hướng đồng bộ và liên thông hơn, từ đó góp phần tạo động lực để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ và ổn định.
Đề án sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM sẽ không tác động đến việc cân bằng cung - cầu trên thị trường bất động sản về ngắn hạn
Theo khảo sát của Bất động sản ODT, dưới tác động của đề án sáp nhập, lượng tìm kiếm nhà đất tại Dĩ An, Thuận An và khu vực Phú Mỹ đã tăng từ 20 – 30% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước. Giá đất nền tại một số khu vực ven quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn, hay tuyến đường ven biển Long Hải – Vũng Tàu đã ghi nhận mức tăng từ 8 – 15% trong vòng 6 tháng qua.
Cũng theo khảo sát mới đây của một tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường thực hiện với các môi giới địa ốc, có hơn 68% người được hỏi kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng trưởng sau sáp nhập và gần 64% kỳ vọng nguồn cung sẽ cải thiện. Dữ liệu cũng cho thấy, mức độ quan tâm trên thị trường ở Bình Dương tăng 49% và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 42%.
Theo các chuyên gia, giá bất động sản sau khi sáp nhập sẽ có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, không phải bất cứ vị trí nào sau khi sáp nhập cũng có mức tăng trưởng đồng đều và nhiều.
Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Việt Nam cho biết, trong ngắn hạn, việc sáp nhập không ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân bằng cung - cầu trên thị trường. Mà chủ yếu, giá tăng cục bộ, gây “nóng sốt” nhiều nơi là do tâm lý nhà đầu tư, người dân là chính.
Về dài hạn, TPHCM đang thiếu nguồn cung nhà ở và việc sáp nhập sẽ khiến cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ, quy hoạch đất đai được tối đa, từ đó khơi thông các dự án mới, tạo nguồn cung về nhà ở.
Bà Nguyễn Hoài An - giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội dự đoán, các cơn sốt đất trên thị trường bất động sản có thể diễn ra trong khoảng 10 - 15 năm, trước khi thị trường đi vào ổn định.