Trong trường hợp không may làm mất sổ đỏ, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, chủ sở hữu cần làm những gì?

Đánh mất sổ đỏ, những điều nên biết

Đánh mất sổ đỏ, những điều nên biết

Điều 99 Luật Đất đai 2013 có nêu, nếu sơ xuất làm mất sổ đỏ, bị cháy hoặc trong các trường hợp khác, người sử dụng đất có thể đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.

Theo Điều 7 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, thủ tục đăng ký xin cấp sổ đỏ mới như sau:

Đến trực tiếp UBND xã/phường ngay sau khi phát hiện bị mất sổ đỏ để trình báo sự việc. Đồng thời phải có văn bản cam kết về lời khai của mình trước pháp luật.

Sau khi nhận được thông tin, UBND tại nơi có đất sẽ tiến hành niêm yết tại trụ sở trong vòng 30 ngày, nhằm mục đích tìm kiếm. Và quy trình cấp mới sổ đỏ sẽ không được diễn ra nếu chủ sở hữu tìm lại được sổ đỏ đã mất.

Nếu vẫn không tìm được sổ đỏ sau thời hạn 30 ngày thì chủ sở hữu cần tìm đến Văn phòng đăng ký đất đai để nộp hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ. Hồ sơ này bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Giấy xác nhận việc mất sổ đỏ của công an cấp xã/phường
  • Giấy xác nhận của UBND xã/phường về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở UBND xã/phường

Khi đó, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra hồ sơ, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký cấp lại sổ đỏ, cấp sổ đỏ mới cho người dân đồng thời chỉnh lý và cập nhật biến động này vào hồ sơ địa chính.

Theo Thông tư số 02/2014/TT-BTC, việc cấp lại sổ đỏ có mức thu đối với trường hợp cấp mới tối đa không quá 100.000 đồng, đối với cấp lại hoặc xác nhận bổ sung vào sổ không quá 50.000 đồng.

Đối với hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất mà không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất thì mức thu tối đa không quá 25.000 đồng đối với trường hợp cấp mới và đối với trường hợp cấp lại, cấp đổi hoặc xác nhận bổ sung là không quá 20.000 đồng.

(Nguồn Tổng hợp)