Làm sao để căn hộ du lịch (condotel) sinh ra lợi nhuận và có nên biến condotel thành căn hộ chung cư không là bài toán nan giải đối với các chủ đầu tư.

Condotel - Khó khăn đi tìm lời giải

4 lý do lớn

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của CBRE Việt Nam đã cho thấy, số lượng giao dịch cũng như lượng mở bán căn hộ condotel tại các thành phố du lịch lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang đã giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước, giảm 97% so với năm 2018. Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam – Bà Nguyễn Hoài An đã đưa ra 4 lý do khiến condotel trở thành bài toán khó.

Thứ nhất, thời điểm 2018 – lúc thị trường bất động sản đang sôi động thì Thanh tra Bộ Xây Dựng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm về quản lý đất đai, phê duyệt dự án tại Đà Nẵng. Chính vì vậy, các dự án mới sau này được kiểm soát và phê duyệt chặt chẽ hơn.

Không thể phủ nhận được rằng, thị trường du lịch Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển nên cần các sản phẩm như condotel. Mặt khác, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công mô hình này nên không có lí do gì mà chúng ta đánh đồng đây là loại hình bất động sản không đáng tin.

Thứ hai, việc dự án Cocobay Đà Nẵng tự tuyên bố “vỡ trận”, dừng chi trả các khoản lợi nhuận đã cam kết, làm các nhà đầu tư thứ cấp suy nghĩ lại về sản phẩm này.

Thứ ba, để ngăn chặn Covid-19 bùng phát, các biện pháp như hạn chế tụ tập, cách ly xã hội đã được đặt ra, ảnh hưởng đến mọi phân khúc của bất động sản, condotel cũng không phải ngoại lệ. Thị trường khách sạn sau đại dịch sụt giảm nghiêm trọng, tác động xấu đến tâm lý của chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Thứ tư, dù Tổng cục Quản lý Đất đai đã có công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ về hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở (trong đó có condotel), nhưng tâm lý thị trường cũng không cải thiện nhiều do công văn còn chưa cụ thể. “Vấn đề mà người mua Condotel quan tâm nhất hiện tại là họ có được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hay không và làm như thế nào khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thì vẫn chưa có giải pháp cụ thể”, bà An phân tích .

Mới đây, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi Bộ Công an kiến nghị Chính phủ không thông qua việc chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư, do những vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật và an ninh trật tự.

Trao đổi với báo chí, ông Mai Huy Tân (nhà đầu tư lớn nhất ở Cocobay với hơn 600 tỷ đồng) cũng tán thành với quan điểm này. Ông cho rằng, cả hai loại hình hoàn toàn khác nhau về công năng. Nếu một bên là căn hộ lưu trú ngắn ngày thì bên còn lại là sở hữu căn hộ lâu dài. Ngoài ra, việc chuyển đổi condotel thành căn hộ ở sẽ tạo ra áp lực rất lớn về hạ tầng dự án và hạ tầng xã hội. Giả sử, hơn 2.000 căn condotel tại Cocobay được chuyển đổi thì sẽ có ít nhất 2.000 ô tô, gây sức ép lên bãi đỗ xe.

Nhìn chung, cốt lõi của câu chuyện có chuyển đổi condotel thành căn hộ ở hay không là làm sao để tài sản đó sinh lời. Hướng đi đúng đắn nhất của condotel vẫn nên là cung cấp đầu vào cho thị trường du lịch.

(Tổng hợp bởi odt.vn)