Thời gian gần đây giới đầu tư tại TP.HCM liên tục phải xả hàng do nhu cầu về tiền mặt tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Đặc biệt đối với những nhà đầu tư đang ôm nhiều hàng, nhu cầu thu hồi vốn càng cấp thiết hơn.
Cơn khát tiền mặt đến từ nhu cầu phòng thủ của giới đầu tư
Với những nhà đầu tư sành sỏi trên thị trường bất động sản, trong những giai đoạn thị trường bất ổn và khó lường như hiện tại họ đều ưu tiên dành một phần tiền mặt để phòng thân. Như anh Bình, có kinh nghiệm mua bán nhà đất từ đầu những năm 2000 cho tới nay, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường, anh cho biết đã từng chứng kiến nhiều trường hợp và ngay chính bản thân mình trước kia cũng rơi vào cảnh “chôn vốn” khi thị trường đóng băng. Khi đó, để có tiền mặt xoay sở công chuyện thì bắt buộc phải bán tháo, bán lỗ nhiều so với mặt bằng chung may ra mới thoát được hàng. Chính vì vậy, ngay từ thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, nhận thấy thị trường đã xuất hiện các dấu hiệu “quá nóng” nên anh tranh thủ thoát bớt một mảnh đất tại vùng ven TP.HCM, một mảnh tại tỉnh Long An để thu về tiền mặt.
Anh tâm sự hiện tại mình vẫn đang nắm nhiều bất động sản, bởi phần lớn tài sản của anh là nằm ở kênh đầu tư này. Tuy nhiên, do đã có sự phòng bị từ trước khi đợt dịch này xảy ra nên may mắn hiện tại anh cũng không bị lo thiếu tiền mặt. Mặc dù vậy, một số căn hộ của anh hiện không có người thuê và bị bỏ trống đã vài tháng qua, anh cũng đang rao bán nhưng với tình trạng hiện tại thì cũng chưa biết tới bao giờ mới giao dịch được.
Trong giới đầu tư, trường hợp như của anh Bình không phải là hiếm, bởi không ít người đã kịp “chốt lời” trong thời điểm thị trường nóng sốt từ cuối năm ngoái và hiện đang nắm khá nhiều tiền mặt. Mục đích của họ đa phần là đề phòng trường hợp thị trường sụt giảm mạnh, khi đó mức độ thanh khoản và giá trị của tài sản lớn như bất động sản sẽ kém đi rất nhiều. Trước đây, các nhà đầu tư bất động sản dài hạn thường ưa thích các bất động sản dễ cho thuê, tuy nhiên trong suốt 1 năm qua lợi nhuận từ kênh cho thuê này cũng không còn được đảm bảo như trước, khiến cho không ít người chọn cách thanh lý tài sản.
Không may mắn như anh Bình, bà Trần Thị Tới là một nhà buôn bất động sản có tiếng tại khu vực TP.Thủ Đức nhưng hiện tại đang phải vật lộn với sức ép từ lãi vay mua bất động sản. Do thị trường vùng ven và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khiến cho các tài sản của bà tại đây không dễ để giao dịch được. Ngay trước khi dịch bệnh bùng phát, bà lao theo cơn sốt khi đầu tư nhiều nền tại Đồng Nai và Bình Dương bằng cách lợi dụng sức vay từ ngân hàng. Dự định sẽ bán ngay khi có lãi, tuy nhiên bà đã không thể ngờ được đợt dịch lần này xảy ra quá nhanh và gây hậu quả nặng nề tới như vậy.
Trong thời điểm tháng 6, bà chỉ suy đoán đợt dịch này cũng như những lần trước, chỉ giãn cách từng khu vực ít ngày rồi trở lại nhịp sống “bình thường mới”, nên thời điểm đó bà cắn răng gồng lãi ngân hàng, chờ qua cơn dịch. Đến thời điểm hiện tại, tiền lãi ngân hàng vẫn phải đóng hàng tháng, trong khi đó thị trường gần như “đóng băng” vì ngay đến cả phòng công chứng cũng không hoạt động khiến cho bà như ngồi trên đống lửa. Bà đã tính đến viễn cảnh buông xuôi nếu tình trạng này nếu còn kéo dài thêm nữa.
Trên thực tế, giá bất động sản tại TP.HCM trong vài tháng qua đã tương đối hạ nhiệt, mức giảm khoảng từ 5 – 10% so với trước đó ở hầu hết các phân khúc. Theo các chuyên gia, tâm lý của giới đầu tư hiện nay khá thận trọng. Diễn biến dịch bệnh căng thẳng và nặng nề đã khiến cho nhu cầu dự trữ tiền mặt tăng vọt. Trong thời gian tới, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, giá bất động sản có thể sẽ giảm thêm chút nữa trước khi hồi phục vào giai đoạn đầu năm sau.