Sự cạnh tranh trong mảng bất động sản khu công nghiệp giữa các doanh nghiệp nội và ngoại ngày một tăng lên, điều này đã khiến cho các doanh nghiệp nội cần phải thay đổi tư duy, nâng cao về chất lượng và gấp rút mở rộng thêm quỹ đất nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Khối ngoại tích cực gom đất
Hai quý đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng và nổi bật của phân khúc bất động sản khu công nghiệp so với các phân khúc khác trên thị trường. Trong đó đáng chú ý khi các doanh nghiệp ngoại đang có các hành động để thâu tóm, mở rộng quỹ đất tại các tỉnh dẫn đầu về công nghiệp của Việt Nam.
Đơn cử như Frasers Property Việt Nam, đây là một trong những nhà phát triển bất động sản ngoại có quy mô lớn tại Việt Nam đã vừa ra mắt dự án đầu tiên tại Việt Nam. Được biết dự án có quy mô tầm cỡ được đơn vị này lựa chọn phát triển tại tỉnh Bình Dương, dự kiến khu khu công nghiệp mang tên BDIP (Binh Duong Industrial Park) sẽ cung ứng cho thị trường kho xưởng, nhà máy cho thuê lên tới hơn 200.000m2 sàn trong các năm tới.
Hay như gần đây liên doanh giữa Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp BW (liên doanh giữa Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus) với ESR Cayman Limited (Hồng Kông) đã lên kế hoạch để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp hiện đại có quy mô 240.000m2 tại Mỹ Phước 4, thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Các ông lớn đến từ Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc đua liên kết và thâu tóm. Cuối năm ngoái, công ty SEA Logistic Partners (SLP) đã ký kết hợp tác liên doanh với GLP (đơn vị quản lý đầu tư vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc) để hướng tới mục tiêu phát triển mảng bất động sản kho vận tại Việt Nam. Cho tới cuối quý 2 năm nay, liên doanh giữa 2 công ty này đã thâu tóm được tới hơn 700.000m2 đất nằm tại 5 dự án khu công nghiệp có vị trí then chốt tại các thành phố lớn.
Khối nội còn nhiều hạn chế
Theo một số chuyên gia, hiện nay thị trường bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam vẫn được coi là “non trẻ” nếu so với các thị trường khác trong khu vực. Chính vì vậy năng lực vận hành và quản lý của các đơn vị phát triển trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính cạnh tranh. Hiện nay một số đơn vị có được quỹ đất tốt đa phần là nhờ dựa vào các lợi thế địa phương, tuy nhiên lại chưa có đủ năng lực để triển khai và quản lý một cách quy mô, bài bản. Một số dự án mặc dù đã có quy hoạch được duyệt, nhưng lại dậm chân tại chỗ suốt nhiều năm liền khiến cho tài nguyên đất bị lãng phí.
Suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp nội đa phần chưa tận dụng được hết lợi thế của mình. Nhiều đơn vị mới chỉ khai thác được “phần ngọn”, tức là chỉ dựa vào việc có quỹ đất rộng và đắc địa để kinh doanh bán hoặc cho thuê đất. Trong các năm tới, với việc thị trường bất động sản khu công nghiệp bước vào một chu kỳ phát triển mới, đòi hỏi nhiều sự đầu tư, nâng cấp và bài bản hơn thì việc phát triển các mô hình mới là điều bắt buộc. Đơn cử như việc xây dựng các khu vực nhà xưởng đạt chất lượng, hiện đại để sẵn sàng cho thuê ngay khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam khi dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, việc họ có nhu cầu thuê trước các nhà xưởng sẵn để thăm dò trước khi đầu tư dây chuyền lâu dài là câu chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.
Chính vì còn tồn tại các hạn chế mà việc cấp thiết hiện nay của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp nội đó chính là thay đổi tư duy để thích nghi kịp với xu thế phát triển. Việc liên kết, hợp tác với các đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp ngoại có thương hiệu và nhiều kinh nghiệm cũng là một hướng đi để nâng tầm các doanh nghiệp nội. Nếu không sớm thay đổi, các doanh nghiệp nội có thể sẽ chịu thiệt ngay chính trên “sân nhà” của mình.