Theo Savills Việt Nam, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM năm 2026 dự kiến đạt 4.663 căn. Thành phố sẽ không còn các sản phẩm nhà thấp tầng dưới 5 tỷ đồng.
Savills Việt Nam vừa đưa ra báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản TP.HCM trong quý II/2024. Cụ thể, nguồn cung nhà phố, biệt thự mới tại thành phố sẽ bị hạn chế do quỹ đất khan hiếm, đẩy giá bán nhà tăng cao.
Nguồn cung mới duy nhất tại đây là 10 căn nhà phố thương mại đến từ dự án The Sholi Bình Tân. Trong đó, nhà phố, biệt thự đắt tiền với giá trên 30 tỷ đồng vẫn là những sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn, chiếm hơn 77% nguồn cung sơ cấp.
Với giá bán tăng cao, thủ tục pháp lý phức tạp, và tâm lý thận trọng của khách hàng và nhà đầu tư, giao dịch bất động sản TP.HCM có xu hướng giảm so với quý trước. Cụ thể, trong quý II/2024 chỉ có 72 giao dịch nhà phố, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm trên 30 tỷ đồng có tỷ lệ hấp thụ thấp, chỉ 6%. Phân khúc có tỷ lệ hấp thụ cao nhất hiện tại là nhà liền kề với mức 31% nhờ nhu cầu ở thực và giá cả cạnh tranh.
Với quỹ đất khan hiếm, nguồn cung hạn chế và sự hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng, giá nhà tại TP.HCM đã tăng gấp ba lần trên thị trường sơ cấp và gấp đôi trên thị trường thứ cấp trong vòng 5 năm qua.
Cũng trong báo cáo, Savills Việt Nam cũng đưa ra những dự đoán về nguồn cung nhà ở tại TP.HCM cuối năm 2024 và năm 2026.
Cụ thể, trong nửa cuối năm 2024, TP.HCM dự kiến có 883 căn nhà ở thấp tầng được tung ra thị trường, chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của dự án hiện hữu. Trong đó, sản phẩm có giá trên 20 tỷ đồng sẽ chiếm 80% nguồn cung.
Năm 2026, thành phố sẽ có khoảng 4.663 căn nhà ở thấp tầng, tập trung chủ yếu ở TP. Thủ Đức (quận 2 cũ), Nhà Bè và Bình Chánh. Đặc biệt, thành phố sẽ không còn những sản phẩm dưới 5 tỷ đồng và chỉ có 10% nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỷ đồng.
Giá bán tăng, khiến những người mua nhà ở thực phải chuyển sang các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai để tìm được sản phẩm phù hợp. Cũng theo dự đoán của các chuyên gia bất động sản, sản phẩm nhà ở thấp tầng có mức giá dưới 10 tỷ đồng chiếm 85% nguồn cung ở Bình Dương và 55% ở Đồng Nai.