Thông thường 10 năm là tuổi thọ của một bộ Luật tại Việt Nam. Luật Đất đai hiện hành ban hành từ 2013 đã bộc lộ nhiều yếu điểm. Dự thảo Luật Đất đai mới đã nhận được quan tâm của mọi người khi có thông tin cấm thực hiện dự án phân lô bán nền tại một số tỉnh.
Hạn chế sự phát triển khu vực
Tình hình thực tế các tỉnh thành tại Việt Nam đã cho thấy sự quy hoạch không được nhất quán, đồng bộ. Cụ thể tại Hà Nội và TPHCM, các khu vực nội thành, trung tâm không còn quỹ đất chưa sử dụng cũng như quỹ đất để cho mục đích phân lô, bán nền. Ngược lại nếu những huyện ngoại thành bị cấm sẽ tạo áp lực khổng lồ lên đất đai đặc biệt là đất phục vụ nhu cầu nhà ở.
Tuy nhiên, sự việc gần đây của công ty địa ốc Alibaba đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý đất đai mà cụ thể là đất nền. Lợi dụng những sơ hở của chính sách như quản lý thửa, tách, gộp thửa, các đối tượng đã đầu cơ, tích trữ để thực hiện lừa đảo thông qua phân lô, bán đất nền.
Chính vì vậy, nếu những quy định này được thông qua sẽ tạo áp lực không nhỏ lên các cấp quản lý trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội địa phương và những người dân có nhu cầu mua nhà ở.
Chuyên gia lên tiếng
Các chuyên gia cho rằng không nên cấm hoàn toàn việc phân lô, bán nền. Thay vào đó tùy vào điều kiện cũng như tiềm lực của khu vực để đưa ra những chính sách phù hợp nhất.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu chia sẻ: Các cơ quan chức năng nên xem xét lại việc cấm phân lô bán nền tại các địa phương. Hiện tại quyết định phê duyệt các dự án phân lô đất nền được giao cho UBND cấp tỉnh xem xét. Nếu theo dự thảo Nghị định mới thì điều này sẽ bỏ qua việc Thông tư hóa mà lên hẳn Nghị định. Theo đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) và các khu vực lân cận sẽ bị cấm phân lô, tách thửa, bán đất nền.
Ông Châu cũng nêu ra ý kiến: Quy hoạch vùng, tỉnh, cảnh quan kiến trúc phải là cơ sở để xét duyệt phân lô bán nền. Những địa phương nằm trong diện khó khăn thì dự án vẫn nên được diễn ra để đảm bảo đồng bộ và gắn kết với các khu vực khác. Các địa phương bị cấm phải là các quận nội thành đã phát triển; thành phố trực thuộc tỉnh; các xã, phường, thị trấn; khu vực có tiêu chuẩn cao về kiến trúc…
(Tổng hợp bởi odt.vn)