Trong bài viết dưới đây, bất động sản ODT sẽ giúp bạn tìm hiểu danh sách các khu công nghiệp ở Đà Nẵng mới nhất để thấy rằng thành phố Đà Nẵng xứng đáng với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ, trung tâm kinh tế xã hội của miền Trung.

1. Tình hình phát triển các khu công nghiệp ở Đà Nẵng 

Tình hình phát triển các khu công nghiệp ở Đà Nẵng 

Sau gần 30 năm phát triển, thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp tập trung và 1 khu công nghệ cao. Riêng các khu công nghiệp Đà Nẵng có quy mô tổng thể là 1.066,52ha, gồm Khu công nghiệp Hoà Cầm, Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hoà Khánh, Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng, và Khu công nghiệp Liên Chiểu. Ngoài ra, còn có Khu công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô xây dựng trên 1.500ha. 

Các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đến nay đã thu hút 489 dự án, trong đó có 128 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.598,7 triệu USD (chiếm gần 47% tổng vốn đầu tư FDI của thành phố), và 361 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24.747,8 tỷ đồng (chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư DDI của thành phố). 

Các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 78.000 lao động phổ thông, đồng thời thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước tăng cao. 

Với mục tiêu phát triển công nghiệp là ngành mũi nhọn của thành phố và đẩy mạnh thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, giai đoạn 2021 - 2025, Đà Nẵng sẽ mở thêm 4 - 5 cụm khu công nghiệp khác. Việc xây dựng thêm các dự án khu công nghiệp mới cần tránh những khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp. 

Trong giai đoạn 2026 - 2030, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển và thu hút đầu tư vào các cụm khu công nghiệp đã xây dựng trong giai đoạn trước với tỷ lệ lấp đầy là 100%. Việc xây dựng các khu công nghiệp mới cần căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu mặt bằng của doanh nghiệp. 

2. Danh sách các khu công nghiệp tại Đà Nẵng 

2.1. Khu công nghiệp Đà Nẵng 

Khu công nghiệp Đà Nẵng 

Vị trí: Phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng 

Chủ đầu tư: Công ty Liên doanh Massda

Quy mô xây dựng: 50,1ha 

Diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê: 41,87ha

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 41,87ha 

Diện tích đất công nghiệp còn lại: 0,00ha 

Diện tích đất công nghiệp chưa có hạ tầng: 0,00ha 

Tỷ lệ lấp đầy: 100%

Khu công nghiệp Đà Nẵng được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 689/GP ngày 21/10/1993 của UBNN về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nằm tại quận Sơn Trà, nằm cách cảng biển Tiên Sa 6km về phía Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 2km và cách Sân bay quốc tế Đà Nẵng 5km về phía Đông, đây là một trong những khu công nghiệp có tốc độ phát triển mạnh nhất tại Đà Nẵng. 

Khu công nghiệp Đà Nẵng do Công ty Liên doanh MASSDA làm chủ đầu tư có tổng diện tích 50,1ha, trong đó 41,87ha đất công nghiệp cho thuê. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy của Khu công nghiệp Đà Nẵng là 100% và không còn đất để cho thuê. Các công trình hạ tầng tại khu công nghiệp gồm hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, đường giao thông, thông tin liên lạc... đang được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi sang Khu đô thị. 

Khu công nghiệp Đà Nẵng hoạt động, đầu tư trên 5 lĩnh vực, gồm Công nghiệp hoá chất, nhựa, sản phẩm sau hoá dầu; cơ khí lắp ráp; Sản xuất giấy và bao bì; Chế biến nông, lâm, hải sản; Sản xuất vật liệu xây dựng. 

2.2. Khu công nghiệp Hoà Cầm 

Khu công nghiệp Hoà Cầm 

Vị trí: Phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng

Quy mô xây dựng: 149,84ha 

Diện tích đất công nghiệp có thể dành cho thuê: 107,07ha 

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 94,57ha 

Diện tích đất công nghiệp còn lại: 12,5ha 

Diện tích đất công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng: 12,5ha 

Tỷ lệ lấp đầy: 88,33%

Quy hoạch Khu công nghiệp Hoà Cầm được phê duyệt theo Quyết định số 1252/QĐ-BXD ngày 19/9/2003 do Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Hiện, Khu công nghiệp Hoà Cầm đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Đầu Tư KCN Hoà Cầm (Công ty IZI) làm chủ đầu tư. 

Nằm tại quận Cẩm Lệ, Khu công nghiệp Hoà Cầm có vị trí địa lý tiếp giáp đường Quốc lộ 14B thuộc trục hành lang kinh tế Đông Tây, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km, cách công trình hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng biển Tiên Sa, ga đường sắt khoảng 7 - 10km. 

Lĩnh vực đầu tư của Khu công nghiệp Hoà Cầm gồm: Sản xuất thiết bị điện và điện tử, các loại linh kiện - sản phẩm cơ khí, ngành may mặc. 

2.3. Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng 

Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng 

Vị trí: Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng

Quy mô xây dựng: 50,63ha 

Diện tích đất công nghiệp có thể dành thuê: 45,72ha 

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 45,72ha 

Tỷ lệ lấp đầy: 100%

Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 5210/QĐ-UB ngày 4/9/2001 trên cơ sở gộp các cụm công nghiệp thuỷ sản hiện có trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) thuộc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng. 

Tổng diện tích Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng là 50,63ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Hiện dự án đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm hệ thống giao thông, san nền, thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước trong khu công nghiệp. 

Hiện, Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng hoạt động ở 2 lĩnh vực gồm công nghiệp chế biến thuỷ sản và dịch vụ hậu cần cảng cá. 

2.4. Khu công nghiệp Hoà Khánh 

Khu công nghiệp Hoà Khánh 

Vị trí: Phường Hoà Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng 

Quy mô xây dựng 394ha 

Diện tích đất công nghiệp có thể dành cho thuê: 303,93ha 

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 303,93ha 

Diện tích đất công nghiệp còn lại: 0,00ha 

Diện tích đất công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng: 0,00ha 

Tỷ lệ lấp đầy: 100%

Khu công nghiệp Hoà Khánh đã được thành lập theo Quyết định số 3698/QĐ-UB ngày 12/12/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng (cũ). Nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, Khu công nghiệp Hoà Khánh do Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) làm chủ đầu tư có quy mô diện tích khoảng 394ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 303,9ha. Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp là 100%. 

Khu công nghiệp Hoà Khánh hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như Sản xuất và chế biến nông - lâm - thuỷ sản, ngành cơ khí điện tử - lắp ráp, sản xuất sản phẩm sau hoá dầu, may mặc, nguyên vật liệu ngành xây dựng quy mô nhỏ và trung bình. 

2.5. Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng

Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng

Vị trí: Phường Hoà Khánh Bắc, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu

Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN)

Quy mô xây dựng: 132,6ha 

Diện tích đất công nghiệp có thể dành cho thuê: 107,40ha 

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 100,35ha 

Diện tích đất công nghiệp còn lại: 7,05ha 

Diện tích đất công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng: 0,00ha 

Tỷ lệ lấp đầy: 93,44%

Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng được thành lập theo Quyết định số 2001/QĐ-UB ngày 25/3/2004 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Nằm dọc Quốc lộ 1A, thuộc quận Liên Chiểu, Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng có vị trí đắc địa, dễ dàng kết nối với thị trường trong nước (Bình Định, Tây Nguyên, Nha Trang,...) và thị trường nước ngoài (Thái Lan, Myanmar, Lào). 

Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng do Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) làm chủ đầu tư có quy mô diện tích 132,6ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thể cho thuê khoảng 107,4ha. 

Được phát triển là khu công nghiệp sản xuất đa ngành nghề, Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng hoạt động ở các lĩnh vực chủ yếu như cơ khí lắp ráp, sản xuất và chế biến nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp nhựa - hoá chất - sản phẩm sau hoá dầu, ngành sản xuất giấy và bao bì, vật liệu ngành xây dựng. 

2.6. Khu công nghiệp Liên Chiểu

Khu công nghiệp Liên Chiểu 

Vị trí: Phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng

Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN)

Quy mô xây dựng: 289,35ha 

Diện tích đất công nghiệp có thể dành cho thuê: 206,13ha 

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 118,67ha 

Diện tích đất công nghiệp còn lại: 87,47ha 

Diện tích đất công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng: 30,29ha 

Tỷ lệ lấp đầy: 57,57%

Khu công nghiệp Liên Chiểu được thành lập theo Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 18/4/1998 của Thủ tướng Chính Phủ. Với diện tích 289,35ha, Khu công nghiệp Liên Chiểu là một trong những khu công nghiệp lớn và quan trọng của thành phố Đà Nẵng. 

Khu công nghiệp sở hữu vị trí đắc địa khi nằm trên Quốc lộ 1A, cách đường tránh thành phố Đà Nẵng và Hầm đường bộ Hải Vân 500m. Hiện, Khu công nghiệp Liên Chiểu hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như ngành công nghiệp ngặng, ngành chế tạo công nghiệp, hoá chất, sản xuất vật liệu xây dựng và kho ngoại quan. 

2.7. Khu công nghệ cao Đà Nẵng 

Khu công nghệ cao Đà Nẵng 

Vị trí: Xã Hoà Liên và xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng 

Diện tích: 1.128.40ha 

Diện tích cho thuê: 612,27ha (chiếm 54%)

6 phân khu chức năng chính: Khu sản xuất CNC; Khu quản lý - hành chính; Khu nghiên cứu - Phát triển đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu ở; Khu hậu cần, logistics và dịch vụ CNC; Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối.

Khu công nghệ Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng trực thuộc sự quản lý của UBND thành phố Đà Nẵng. 

Đây là một trong ba khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia Việt Nam và là khu công nghệ cao duy nhất tại miền Trung được thành lập năm 2010. 

Khu công nghệ cao Đà Nẵng là nơi nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng cộng nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghệ cao, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm.

Sự hình thành Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ góp phần thu hút các nguồn lực công nghệ cao trong nước và ngước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới công nghệ, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ... Ngoài ra, nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hiện, Khu công nghệ cao Đà Nẵng tập trung đầu tư ở 6 lĩnh vực gồm: Công nghệ sinh học phục vụ y tế, nông nghiệp, thuỷ sản; Công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử; Tự động hoá và cơ khí chính xác; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới; Công nghệ thông tin, truyền thông, phần mềm tin học; Công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hoá dầu và một số công nghệ đặc biệt khác.