Đứng từ góc nhìn của giới phân tích kinh tế, để Nghị quyết về áp giá trần cho các căn hộ thương mại có tính thực tế và phù hợp với thực trạng Việt Nam, cần tháo gỡ ngay những vướng mắc lớn còn tồn đọng.
Bốn nút thắt lớn
Với nhiều nỗ lực để kích cầu, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ và cho người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị lên Chính phủ về việc quy định giá trần cho các căn hộ thương mại. Cụ thể, những căn hộ chung cư nhỏ hơn 70m2, giá bán cho phép tối đa là 20 triệu đồng/m2. Ngoại lệ là tại 5 đô thị đặc biệt và 18 đô thị loại 1 có thể cao hơn nhưng không được vượt quá 25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, để Nghị quyết trên áp dụng được vào thực tế đời sống là vấn đề khiến nhiều nhà phân tích lo lắng. Theo Giám đốc cấp cao Savills – Ông Sử Ngọc Khương cho biết, hiện tại vẫn còn 4 nút thắt cần được cởi bỏ nếu các cấp quản lý muốn hiện thực hóa việc áp giá trần cho nhà ở thương mại.
Đầu tiên, vấn đề liên quan đến quỹ đất. Không thể phủ nhận được, dân số tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang tăng theo cấp số nhân qua từng năm. Áp lực không nhỏ này đã khiến quỹ đất cho nhà ở thương mại giá rẻ là bài toán hóc búa cho các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, giá tiền sử dụng đất ngày một gia tăng đã làm cho bài toán này dường như không có lời giải.
Thứ hai, vướng mắc trong chính sách quản lý. Được biết để có Giấy phép xây dựng cũng như quyết định khởi công dự án, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều trình tự, thủ tục từ chấp thuận chủ trương, nghị quyết của Bộ Xây dựng đến thống nhất của các sở, ban, ngành liên quan. Điều này vô hình chung gây cản trở cho nhiều đơn vị phát triển nhà ở giá rẻ.
Thứ ba, lợi nhuận khi thực hiện dự án của doanh nghiệp. Thực tế nhu cầu về nhà ở thương mại giá rẻ rất lớn nhưng lợi nhuận mang về lại rất ít. Do vậy, có thể hiểu được nguyên nhân khiến nguồn cung cho phân khúc này ngày một khan hiếm. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để nhà ở thương mại giá rẻ hấp dẫn trong mắt những người đầu tư?
Cuối cùng là chất lượng của nhà ở. Không thể đầy đủ và hiện đại như phân khúc trung cấp và cao cấp nhưng nhà thương mại giá rẻ vẫn phải đáp ứng được những quy chuẩn về an toàn xây dựng, chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng, hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cảnh quan. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền địa phương và Nhà nước.
Ông Khương đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục những vấn đề trên như sau: Nhà nước nên ưu tiên quỹ đất cho phân khúc này; được giải quyết nhanh thủ tục hành chính, pháp lý; xây dựng chính sách ưu đãi từ 7-8% cho cả người mua và người bán; không khống chế lợi nhuận của nhà đầu tư… Riêng đối với tiền sử dụng đất, ông yêu cầu miễn, giảm và gia hạn thời gian nộp. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tức thời trong tình cảnh khó khăn chung của thị trường. Trong thời gian tới cần có quy định lâu dài và hiệu quả hơn.
Nếu những vướng mắc trên được giải quyết triệt để và đồng bộ thì chắc chắn rằng Nghị quyết của Chính phủ sẽ tiến gần hơn đến giấc mơ hiện thực hóa, đem đến nhiều hứng thú và động lực cho các nhà đầu tư bất động sản trong tương lai.
(Tổng hợp bởi odt.vn)