Vài năm gần đây, Bình Dương luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác phát triển nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh phải xây dựng được hơn 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội nhưng vì một số nguyên nhân mà tỷ lệ mới đạt 65%.

Bình Dương: Xây dựng được gần 1,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trong 4 năm

Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn

Mới đây, Đoàn khảo sát của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do ông Hà Quang Hưng - Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về đề án cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cần đầu tư, xây dựng 2.002.415 m2 sàn nhà ở xã hội (không bao gồm nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhà ở tái định cư và nhà ở cho người có công với cách mạng).

Tính đến thời điểm hiện tại, kết quả đã đạt được khoảng 1.305.850 m2 sàn nhà ở (tương đương 65% so với kế hoạch). Trong đó, 1.055.850 m2 là nhà ở an sinh xã hội và nhà ở công nhân do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư; 250.000 m2 còn lại là nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 22 dự án nhà ở thương mại nhưng đã quyết định dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích là 64,53 ha

Thống kê 11 dự án nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách, giá bán nhà ở cao nhất là 14,89 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 5,6 triệu đồng/m2. Theo kết quả báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân 42 tỷ đồng cho 101 khách hàng. Tương tự, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh đã giải ngân cho 1 dự án nhà ở xã hội với số vay là 73 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình phát triển thời gian qua, ông Hà cho rằng, tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa tận dụng được các nguồn lực xã hội hóa, chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội; nâng thời gian cho vay tối thiểu là 20 năm; tạo môi trường thông thoáng về thủ tục, lãi suất giúp các đối tượng có nhu cầu dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay mua, thuê nhà ở xã hội.

Tổng kết buổi làm việc, ông Hưng cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội là một mô hình tổ chức đúng đắn của Nhà nước, có trách nhiệm nhận ủy thác cho các đối tượng vay đầu tư xây dựng, cũng như các đối tượng mua nhà ở xã hội. Chính vì vậy, Đoàn khảo sát mong muốn, tỉnh Bình Dương trong thời gian tới tạo điều kiện ủy thác nguồn vốn cho Ngân hàng để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội cho toàn tỉnh.

Đồng thời, Đoàn cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ và sẽ đề xuất Trung ương sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.