Theo báo cáo quý III/2020 của Bộ Xây dựng, dù chịu tác động kép của COVID-19 và tháng ngâu nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn có những tín hiệu tích cực. Điều này được minh chứng thông qua những số liệu về tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này.

Nguồn vốn FDI quý III vào bất động sản tăng mạnh

Tăng gấp 4 lần so với quý II/2020

Bộ Xây dựng nhận định, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế thế giới là không thể phủ nhận. Nhiều công ty, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản do hoạt động kinh doanh, sản xuất bị đình trệ. Chính vì vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam tính đến ngày 20/9/2020 chỉ đạt 21,20 tỉ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, số vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2020 là gần 3,2 tỉ USD, tương đương tỉ trọng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới. Như vậy, sau nhiều năm giữ vị trí thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh doanh bất động sản đã tụt xuống hạng 3 (xếp sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện).

Bộ Xây dựng phân tích, trong số 3,2 tỷ USD nói trên thì riêng quý III đã chiếm đến 2,35 tỷ USD, gấp 4 lần so với quý II (0,586 tỷ USD) và gần 9 lần so với quý I (0,264 tỷ USD). Đây là một tín hiệu tích cực cho việc bổ sung nguồn vốn nước ngoài vào hoạt động đầu tư phát triển lĩnh vực BĐS nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.

Về tình hình tồn kho bất động sản, qua quá trình theo dõi diễn biến của thị trường cũng như tổng hợp số liệu từ các nguồn thông tin tin cậy (hàng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS được niêm yết trên sàn chứng khoán; tỷ lệ cung ứng và hấp thụ BĐS tại Hà Nội và TP HCM từ Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam), Bộ Xây dựng đánh giá, tổng giá trị hàng tồn kho BĐS tính đến hết năm 2019 rơi vào khoảng 18.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này tính từ quý I đến quý III/2020 lại đang có xu hướng giảm dần. Lượng hàng tồn đọng chủ yếu là sản phẩm thuộc phân khúc trung, cao cấp, nhà tái định cư… được xây dựng ở những khu vực cách xa trung tâm thành phố, không được đầu tư về cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật. Nếu có đầu tư thì cũng không bài bản, thiếu tính đồng bộ…

Trên cơ sở đánh giá tác động của các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường, cơ quan đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, thị trường bất động sản trong quý III/2020 đang có những dấu hiệu hồi phục và phát triển. Nhu cầu thực tế về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ… vẫn còn rất lớn.

Trong những tháng cuối năm 2020 và bước sang cả năm 2021, bất động sản công nghiệp có thể coi là phân khúc dẫn dắt thị trường khi mà: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực; các tập đoàn đa quốc gia đang di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và điểm đến là Việt Nam; việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là một trong những lực hấp dẫn dể kéo thêm nhiều nguồn vốn ngoại đổ vào Việt Nam.