Tự ý phân lô bán nền là hành vi trái phép, để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng một số khu vực ở tỉnh Lâm Đồng, tình trạng này lại đang diễn ra tràn lan, công khai, buộc cơ quan chức năng địa phương phải vào cuộc.
Phá hủy quy hoạch
Mới đây, UBND huyện Lâm Hà vừa có văn bản chỉ đạo số 1551/UBND -TNMT gửi tới UBND các xã, thị trấn, phòng Tài nguyên Môi trường, văn phòng đăng ký đất đai cùng cấp về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán đất nền trái phép.
Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo và các bài đăng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) với nội dung là rao bán các dự án đất nền tại một số huyện của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là nền đất do các đối tượng tự ý phân lô, gắn mác khu nghỉ dưỡng, dự án đầu tư để thu hút và lừa đảo người mua.
Ngay khi nắm bắt được tình hình, huyện Lâm Hà đã tiến hành rà soát trên phạm vi toàn bộ 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Kết quả cho thấy, các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Tân Hà (cụm Tân Hà) và thị trấn Nam Ban (cụm Nam Ban) đang xảy ra tình trạng nói trên. Việc phân lô, tách thửa, chuyển nhượng trái phép như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch; gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường; kéo theo những hệ lụy về sau như tranh chấp, khiếu kiện…
Để phát huy vai trò của địa phương trong công tác quản lý đất đai nói chung cũng như chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép nói riêng, UBND huyện Lâm Hà yêu cầu UBND các cấp xã trực thuộc khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp tự ý mở đường, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, múc đất san gạt mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng chưa được cấp phép trên địa bàn quản lý.
Yêu cầu các cá nhân, tổ chức vi phạm khôi phục khu đất về nguyên hiện trạng. Trường hợp làm ảnh hưởng tới đất nông nghiệp phải có các biện pháp cải tạo. Nếu các đối tượng không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định. Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng phải gửi báo cáo tổng hợp các trường hợp vi phạm về UBND huyện để theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng giao Phòng Tài nguyên Môi trường tổng hợp kết quả của các địa phương gửi lên để làm căn cứ tham mưu cho UBND ban hành các văn bản chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai.
Đồng thời, giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện tốt vai trò trong công tác quản lý Nhà nước về cấp phép xây dựng, quy hoạch xây dựng, thị trường bất động sản; đảm bảo các công trình được xây dựng phù hợp với quy hoạch, đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển chung cho toàn huyện. Ngoài ra, Phòng còn có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện xử lí các vi phạm về xây dựng công trình trái phép trên các nền đất tự phân lô theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trước đó không lâu, UBND thành phố Bảo Lộc cũng ra văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát các khu vực được gọi là “dự án” và đang triển khai thực hiện giao dịch bất động sản trên địa bàn. Kết quả, đã phát hiện ra rất nhiều cá nhân, tổ chức chuyển nhượng trái phép, không đầy đủ cơ sở pháp lý để giao dịch.