Kể từ giữa năm 2018 cho tới nay, khi thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó do hàng loạt dự án gặp vướng mắc trong vấn đề thủ tục pháp lý thì ngay lập tức thị trường lân cận là Bình Dương bỗng nổi lên như một thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư. Chỉ trong vòng 2 năm, hàng loạt thay đổi đã diễn ra khiến cho nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng trước sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản tỉnh này.
Những yếu tố đưa Bình Dương trở thành tâm điểm mới
Trong Đề án Vùng thành phố Hồ Chí Minh thì có thể nói tỉnh Bình Dương chính là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số các vệ tinh nằm xung quanh TP.HCM. Hoặc như trong giới bất động sản thường ví von đây như “sân sau” của đô thị lớn nhất cả nước. Chính vì những lợi thế này mà trong vài năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó thì ngay lập tức các “ông lớn” đã coi Bình Dương như một địa bàn thay thế trọng điểm để dịch chuyển hướng đầu tư.
So với cách đây vài năm, khi Bình Dương trong mắt các nhà đầu tư chỉ là một thị trường tỉnh lẻ với các dự án đất nền là chủ yếu thì giờ đây thị trường bất động sản tỉnh này đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Bằng chứng là sự góp mặt trên diện rộng của hàng loạt ông lớn như Vingroup, Đất Xanh, Hưng Thịnh... Hàng loạt các dự án lớn, có quy mô và được phát triển chuyên nghiệp đã mang tới một làn gió mới cho thị trường bất động sản Bình Dương.
Dựa vào các con số thống kê cho thấy, Bình Dương là tỉnh có tỉ lệ đô thị hóa rất cao, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây luôn là địa phương dẫn đầu cả nước. Chỉ trong năm 2019, tỉ lệ đô thị hóa của Bình Dương đã đạt trên 80%, gần gấp 3 lần con số trung bình của cả nước. Con số này cũng kéo theo tỉ lệ cư dân nông thôn trở thành cư dân thành thị tăng theo. Đặc biệt, đầu năm 2020 vừa qua, hai thị xã Dĩ An và Thuận An đã chính thức được công nhận là Thành phố trực thuộc tỉnh, khiến cho thị trường bất động sản ở hai nơi này diễn ra cực kì sôi động.
Một điểm đáng chú ý nữa đó chính là tỷ lệ gia tăng dân số của Bình Dương. Đây được coi là địa phương có mức tăng dân số cơ học đứng thứ 2 khu vực miền Nam, chỉ sau TP.HCM. Theo thống kê cho thấy, năm 2020 dân số Bình Dương đã tăng lên mức 2,5 triệu người, tăng gần 25% so với năm 2019. Tốc độ này được dự báo sẽ duy trì liên tục trong thập niên tới, khi làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp ngày càng mạnh sẽ thu hút thêm một lượng lớn lao động đến sinh sống và làm việc. Đây chính là lợi thế được các chuyên gia đánh giá rất cao, bởi sự gia tăng dân số chính là tiền đề cho sự phát triển của thị trường bất động sản ở bất kì nơi nào.
Ngoài ra, trong năm 2021, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương được dự báo sẽ được đẩy cao hơn với hàng loạt dự án trọng điểm. Trong thời gian còn lại của năm 2020, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án huyết mạch của tỉnh như: Dự án Mỹ Phước - Tân Vạn, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Quốc lộ 13, cầu nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai; nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, các cảng trên sông Sài Gòn phục vụ vận chuyển hàng hóa.
Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển đô thị, dịch vụ, làm tiền đề để xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, góp phần hoàn thành mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.