Sau nhiều lần lỡ hẹn, chủ đầu tư Bến xe miền Đông là Tổng công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) xác nhận việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động từ ngày 15/08 với 71 tuyến cố định, cự ly từ 1.100 km trở lên.

Bến xe Miền Đông mới chốt ngày “mở cửa”

Đã hoàn tất mọi thủ tục

Ngày 28/07, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp nhận đề nghị của Sở Giao thông Vận tải TP HCM về việc công bố danh mục tuyến vận tải hành khách hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới trên địa phận quận 9 và một phần thuộc thành phố Dĩ An, Bình Dương.

Theo đó, từ ngày 15/8, 71 tuyến xe khách tại bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sẽ chuyển sang bến xe mới. Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân cũng như mong muốn bến xe sớm ổn định, Sở Giao thông vận tải thành phố yêu cầu giữ nguyên đơn vị khai thác và giữ nguyên lưu lượng.

Báo cáo UBND TP.HCM hôm 16/7, bà Tăng Thị Thu Lý - Phó tổng giám đốc Samco cho hay, giai đoạn một của dự án bến xe mới đã hoàn thành, đáp ứng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật để trở thành bến xe khách loại 1 (quy mô và hiện đại nhất trong 6 loại bến xe hiện nay). Ở giai đoạn này, bến xe mới sẽ phục vụ vận tải hành khách đường bộ tuyến cố định từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc, tương đương với cự ly trên 1.100 km.

Về mặt pháp lý, Samco đã thực hiện đầy đủ thủ tục thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi Trường; cũng có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải công bố công khai tuyến đường hoạt động giai đoạn 1, bà Lý nói.

Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, địa phương đang xây dựng phương án điều chỉnh, tạo sự kết nối giữa các tuyến xe với bến xe mới, đặc biệt là Bến xe Miền Đông cũ, tạo thuận lợi cho hành khách trong thời gian đầu. Dự kiến, tuyến xe không trợ giá số 602, 611 và các tuyến xe số 55, 76, 150 sẽ kết nối tới bến xe này.

Bến xe hiện đại nhất cả nước

Bến xe Miền Đông mới với diện tích 16 ha (gấp 3 lần bến xe cũ) được khởi công xây dựng từ tháng 4/2017. Với tổng vốn đầu tư ước tính là 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 chiếm 740 tỷ đồng. Quần thể phức hợp này gồm 4 khu A, B, C, D.

Cụ thể như sau: Khu A là công trình công cộng, bến bãi (diện tích hơn 12 ha); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng),  khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Riêng nhà ga được xây dựng với kết cấu gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Toàn bộ công trình được thiết kế theo mô hình hiện đại gắn liền với phát triển đô thị và đầu mối giao thông công cộng. Rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công. Tương lai khi hoàn thành dự án sẽ trở thành bến xe lớn nhất cả nước với lưu lượng phục vụ lên tới 7 triệu lượt khách/năm. Qua đó, góp phần chia sẻ gánh nặng với bến xe Miền Đông cũ đang quá tải và cải thiện tình trạng ách tắc ở trung tâm thành phố.

Trước đó, Bến xe Miền Đông mới được dự kiến đưa vào vận hành từ cuối tháng 4 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã bị hoãn lại.

(Tổng hợp bởi odt.vn)