Nhìn nhận về thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) từ đầu năm tới hiện tại, Savills Việt Nam cho rằng, dù lĩnh vực bán lẻ vẫn đang ở trạng thái ổn định nhưng tác động quá lớn của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà phố vắng bóng khách thuê
Tình hình đáng báo động
Sau giai đoạn cách ly xã hội, TP.HCM ghi nhận những con số rất lạc quan về thị trường. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tăng trưởng hàng tháng đạt mức 20% trong tháng 5 và 5% trong tháng 6. Doanh thu ăn uống và lưu trú chạm mức tăng 80% ở tháng 5 và 42% ở tháng 6. Doanh thu bán lẻ hàng hoá có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, lần lượt là 12%, 3% trong tháng 5 và 6.
Riêng về giá thuê mặt bằng trong phân khúc bán lẻ giảm nhẹ 1% theo quý nhưng vẫn ổn định theo năm. Trước đó, để hỗ trợ khách thuê bị ảnh hưởng, nhiều chủ nhà đã giảm giá thuê đến 30%. Tuy nhiên, trái ngược với giá thuê giảm, lượng khách phục hồi từ tháng 6, nhiều chủ đầu tư cửa hàng thời trang, nhà hàng ăn uống… vẫn quyết định đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh.
Đơn cử, hàng loạt nhà phố tại đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng phải treo biển để tìm người thuê. Đây vốn là những con đường nằm tại trung tâm thành phố, phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách nước ngoài, nhưng quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia vẫn chưa được gỡ bỏ khiến người thuê tạm dừng kinh doanh, trả lại nhà.
Đại diện Savills Việt Nam, Bà Trần Thị Thu Hà – Phụ trách khối Bán lẻ nhận định, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, Quận 7 được mệnh danh là thiên đường cho ngành bán lẻ bởi mật độ dân số đông, thu nhập bình quân đầu người cao. Phần lớn lượng khách ở đây là chuyên gia người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Thế nhưng, từ khi các quốc gia ra lệnh đóng cửa biên giới, khiến họ không thể trở lại Việt Nam làm việc. Hệ quả là nguồn cung thì dư thừa, tác động trực tiếp khiến giá thuê căn hộ trung bình tại đây còn thấp hơn so với Quận 1, Quận 3.
Giải pháp tạm thời
Theo số liệu thống kê trước đó, tỷ lệ bỏ trống của bất động sản bán lẻ trong khu vực luôn duy trì ở mức 5%. Hiện nay tỷ lệ này đã lên tới 40%, đặc biệt là ở trung tâm. Chính vì vậy, muốn phục hồi như trước là điều không dễ dàng, cần sự giúp sức của cả chủ nhà và khách thuê.
Đối với chủ nhà, những điều kiện cần và đủ để tháo gỡ khó khăn bây giờ là giảm giá thuê. Giải pháp này cần được áp dụng trên toàn bộ thành phố chứ không riêng gì những khu vực khó khăn. Tuy vậy, các chủ nhà cần tính toán, xác định chính xác mức giản, thời hạn giảm và hình thức giảm.
Đứng trên góc độ của mình, bà Hà chia sẻ, chủ nhà nên đa dạng hóa việc tìm kiếm đối tượng thuê nhà như tìm kiếm khách hàng mới hay với khách thuê cũ thì chủ động giảm giá. Nếu muốn lâu dài hơn thì nên nhờ đến đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để được tiếp cận với khách hàng là các công ty, doanh nghiệp, ngân hàng…
Đối với khách thuê, đại dịch gây ra ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực nhưng những mặt hàng liên quan đến sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc sức khỏe, nhu yếu phẩm vẫn có dư địa để phát triển và mở rộng ở tương lai. Vì vậy khách thuê cần lựa chọn hướng đầu từ thận trọng trong thời điểm then chốt này
(Tổng hợp bởi odt.vn)