Việc công chứng các hợp đồng giao dịch bất động sản sẽ giúp chứng minh việc giao dịch đủ điều kiện pháp lý, bảo vệ được quyền lợi của hai bên và tránh những rủi ro không đáng có.

bat-buoc-phai-cong-chung-voi-nhung-loai-hop-dong-giao-dich-bat-dong-san-sau

Các văn bản, hợp đồng công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Nếu bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật. Những hợp đồng giao dịch bất động sản phổ biến sau bắt buộc phải công chứng.

Hợp đồng mua bán nhà ở

Loại hợp đồng này cần phải công chứng hoặc chứng thực. Những trường hợp không cần công chứng gồm mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Theo Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp nếu một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản.

Hợp đồng Thế chấp nhà ở

Hợp đồng Thế chấp nhà ở nếu không có công chứng sẽ tồn tại nhiều rủi ro và tranh chấp.

Hợp đồng cho tặng nhà ở hoặc bất động sản khác

Văn bản trong hợp đồng cho tặng bất động sản phải được công chứng, chứng thực để chứng minh bất động sản đó được tặng và chuyển quyền sở hữu tài sản mà không yêu cầu đền bù. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương không cần công chứng.

Hợp đồng đổi nhà ở

Theo Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014, đây là giao dịch về chuyển quyền sở hữu bắt buộc phải công chứng để được Nhà nước công nhận và xác minh về mặt pháp lý.

Ngoài ra, các hợp đồng giao dịch bất động sản gồm: hợp đồng góp vốn bằng nhà ở, hợp đồng mua bán bất động sản đấu giá, hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng thế chấp tài sản và văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần được các công chứng viên xác nhận để đảm bảo an toàn giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và tránh những tranh chấp hoặc kiện tụng trong quá trình thực hiện hợp đồng.

(Nguồn tổng hợp)