Tại kỳ họp thứ 17, khóa VI, diễn ra vào ngày 04/08, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương xây dựng cầu Phước An. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối cảng biển Cái Mép - Thị Vải với cao tốc phía Nam.
Thông tin dự án
Theo Nghị quyết, cầu Phước An thuộc dự án nhóm A; là giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng liên cảng Cái Mép – Thị Vải đã được phê duyệt từ năm 2009. Chủ đầu tư chính là Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư dự án là 4.879 tỷ đồng (chi phí xây dựng chiếm hơn 3.750 tỷ đồng), trong đó 2.000 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và 2.879 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư của tỉnh. Dự kiến, năm 2025 sẽ đưa vào khai thác và sử dụng.
Cầu Phước An có chiều dài khoảng 3,76 km, bắc qua sông Thị Vải nối liền huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến dự án giao cắt với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, điểm cuối tuyến giao cắt đường vào cảng Phước An.
Trước đó hơn 10 năm, khi cảng Cái Mép - Thị Vải mới hình thành, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương xây cầu Phước An để kết nối cảng với các địa phương lân cận. Tuy nhiên dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn. Cụ thể, ban đầu dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư ODA từ Nhật Bản và đối tác công tư. Đến năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chuyển dự án sang hình thức đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Mới gần đây dự án còn gặp phải vướng mắc liên quan đến quy hoạch tỉnh Đồng Nai và đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xuống thị sát vị trí xây để tháo gỡ.
Tầm quan trọng
Như đã nói ở trên, cầu Phước An có điểm đầu là Cảng Cái Mép – Thị Vải, là một trong 21 cảng nước sâu lớn của thế giới, có thể đón tàu với trọng tải 200.000 tấn. Tuy nhiên, sau một thập kỷ đi vào hoạt động, công suất cảng chỉ đạt khoảng 50% so với thiết kế. Một trong những nguyên nhân là, toàn bộ hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ từ đây đến các tỉnh lân cận (như Đồng Nai, TP.HCM, Long An…) đều phải đi qua Quốc lộ 51, khiến tuyến đường thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc giao thông.
Sau khi cầu Phước An được hoàn thành, nó không chỉ chia sẻ gánh nặng với Quốc lộ 51 mà còn giảm bớt 20 km lộ trình vận chuyển hàng hóa. Từ đó, nâng cao hiệu suất khai thác và năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cảng khác trong khu vực.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, dưới sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, việc đầu tư xây dựng cầu Phước An để nối cảng với cao tốc Bến Lức - Long Thành là vô cùng cần thiết và cấp bách. Cầu Phước An sẽ liên kết toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực phía Tây Nam Bộ, phía Đông Nam Bộ, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
(Tổng hợp bởi odt.vn)